ERIC NGUYEN BÌNH LUẬN VỀ TÁC PHẨM ‘DRAGONFISH’ CỦA VU TRAN

Eric Nguyen bình luận về tác phẩm mới nhất của Vu Tran, Dragonfish, một tiểu thuyết trinh thám ly kỳ. Cuốn sách này phủ nhận cách thức kể chuyện về quá trình hòa nhập của người tị nạn mà lâu nay người ta quen thuộc.

For the original English version of this article, click here.

Dragonfish-by-Vu-Tran-on-BookDragon-via-Bloom

Các nhà văn Mỹ gốc Việt thường ít được nhắc đến trong dòng tiểu thuyết giải trí (genre fiction). Chỉ có một vài nhà văn cho ra các tiểu thuyết giải trí, trong đó có Nghi Vo và Z.M. Quỳnh (và cả Aliette de Bodard nếu chúng ta xét toàn thể cộng đồng nhà văn gốc Việt trên toàn thế giới.) Tương tự, rất hiếm khi thấy các nhà văn Mỹ gốc Việt thử sức với thể loại tiểu thuyết trinh thám. Cũng vì thế, Vu Tran đã thổi một luồng gió mới với tiểu thuyết trinh thám đầu tay mang tính hiện thực xã hội (noir fiction) tựa đề Dragonfish (Long Ngư).

Dragonfish có đầy đủ tất cả những yếu tố làm nên một tiểu thuyết trinh thám xuất xắc. Câu truyện đi theo lời kể của Robert, một cảnh sát tại thành phố Oakland, trong khi đó Sonny, một tay buôn lậu kiêm cờ bạc từ sòng bài Vegas với tiền sử bạo lực, đóng vai phản diện. Và tất nhiên không thể thiếu sự mất tích bí ẩn của Suzy, vợ cũ của Robert và đồng thời là vợ hiện tại của Sonny. Chính dấu chấm hỏi về số phận của Suzy đã thúc đẩy Sonny bắt cóc Robert về Las Vegas.

Một trong những điểm mạnh nhất của Vu Tran là khả năng tái tạo cảnh tượng và không khí của một địa điểm như Las Vegas. Đây là một thành phố “quá náo nhiệt, quá dày vò với kỳ vọng để chào đón giấc ngủ,” và cũng là một sa mạc với một mùa mưa. Đây cũng là một nơi mang biểu tượng cho sự đa sắc tộc của nước Mỹ đương đại, đặc biệt thấy rõ trong khu phố người Hoa của Vegas, “một công viên giải trí theo chủ đề tương tự như những phần còn lại của thành phố” với những tòa nhà mô phỏng kiến trúc chùa chiền, nơi chủ quán Việt Nam bán đồ ăn Nhật và nơi người Mễ nói tiếng Việt Nam. Nói tóm lại, Las Vegas trong trí tưởng tượng của Vu Tran là “một ảo ảnh trong một ảo ảnh” kỳ quái.

Chính tại một trong những địa điểm như thế, một công viên ngoại ô tĩnh lặng với những hàng cọ dừa bên cạnh những hồ nước và ốc đảo nhân tạo, Robert nhận ra tại sao mình lại bị bắt về đây.  Sonny và con trai, Junior, đã chỉ ra chỗ ẩn nấp của Suzy và Robert có nhiệm vụ làm mồi nhử cô ra ngoài.  “Chắc chắn mụ ta sẽ không chạy trốn khỏi mày,” Junior nói sau khi đe dọa tống tiền Robert bằng những bức hình và đoạn phim mang tính buộc tội.

Robert đành miễn cưỡng đồng ý, nhưng đồng thời bí mật hy vọng giải cứu vợ cũ khỏi Sonny. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc mà quá khứ đen tối của Suzy được đưa ra ánh sáng, trong đó bao gồm cả đứa con gái tên Mai mà cô đã bỏ rơi, và những lá thư cô để lại như lời tự bào chữa.

Author Vu Tran
Author Vu Tran

Qua những đoạn trích thư Suzy gửi con gái và khả năng gia giảm nhịp văn điêu luyện của Vu Tran, quá khứ của Suzy dần hé lộ dưới bàn tay không ngừng lật trang của độc giả. Robert hoàn toàn bất ngờ khi biết Suzy có một cô con gái vẫn đang còn sống (còn độc giả thì có thể đoán được điều này từ những gợi ý ngay từ những trang đầu tiên). Nhưng những gì Suzy để lại sau khi mất tích–một di sản, một lời xin lỗi, và một món quà bị vấy bẩn–và những hành động của các nhân vật khác đều làm kinh ngạc cả độc giả lẫn Robert đến tận hồi kết.

Tuy vậy, việc viết tiểu thuyết giải trí, và đặc biệt là để viết nên một tác phẩm thỏa mãn thị hiếu, là một công việc khó khăn và chúng ta dễ có xu hướng chỉ trích tác giả vì đã tuân theo, hoặc đôi lúc đi ngược lại, những khuôn mẫu của dòng văn trinh thám. Đơn cử như, mặc dù Vu Tran có kèm theo một câu truyện đằng sau với một người cha thô bạo và độc tài, độc giả không bao giờ có cơ hội nhìn thấu tính cách và những ham muốn của Robert, cũng như động cơ của anh khi tham gia vào kế hoạch tìm kiếm Suzy. Nhiều lúc, Robert chỉ còn là một người quan sát không hơn không kém. Trong một đoạn đối thoại giữa Mai và một trong những tay sai của Sonny, Robert nhận ra, “Tôi sẽ chỉ là một kẻ xa lạ khi ngồi vào bàn.” Tuy là người dẫn truyện, nhưng Robert thực sự không phải là trọng tâm của tác phẩm và anh chỉ là nhân vật điều tra viên không thể thiếu trong mọi tiểu thuyết trinh thám. Mặt khác, Vu Tran lại chơi đùa với những quy ước khác, ví dụ như đoạn kết tương đối lộn xộn của Dragonfish, một điều có thể khó làm hài lòng những tín đồ truyện trinh thám truyền thống vốn mong đợi mọi bí ẩn được giải đáp và sự trở lại của bình yên và trật tự.

Nhưng sự nghịch ngợm này lại nói lên rất nhiều điều về cách Vu Tran thể hiện các đề tài nghệ thuật trong tác phẩm. Bằng cách không để câu truyện xoay quanh Robert, Vu Tran từ chối xây dựng tác phẩm từ góc nhìn của người da trắng. Đây không phải là một câu truyện về một người đàn ông da trắng, mà là một câu truyện về một người phụ nữ Mỹ gốc Việt. Việc anh từ chối một cái kết gọn gẽ cho thấy để thấu hiểu câu truyện của người tị nạn, hay rộng hơn là câu truyện của “người ngoài/tha nhân”, là bất khả thi. Vào đầu tác phẩm, khi than vãn về những trắc trở trong mối quan hệ của mình với Suzy, Robert nói, “Điều tối thiểu mà cô ấy có thể làm là chia sẻ những câu truyện của mình, như tuổi thơ cô đã đẹp ra sao, những người Cộng sản đã hành xử như thế nào, hay cách mà chú cô hay cha cô hay hàng xóm cô đã chết trên chiến trường hay sống sót trong trại cải tạo, hay một điều gì đó.” Trong đoạn trích trên, Robert đang giận giữ vì Suzy chưa bao giờ cho anh một câu truyện với mô típ quen thuộc: một người tị nạn sống sót trong một đất nước thuộc thế giới thứ ba và hòa nhập thành công trên quê hương mới của mình.

__________________________________________________________

Bn có thích đc diaCRITICS không?

Nếu thế thì mời đăng ký nhận bài hoặc GÓP TIỀN GIÚP ĐỠ.

Xem các lựa chọn ở góc phải bên trên, đăng ký qua email hoặc bản tin RSS.

__________________________________________________________

Thật vậy, mặc cho tất cả những gì cô tiết lộ qua thư, nhân vật Suzy ở đoạn kết vẫn bí ẩn như lúc cô mới xuất hiện ban đầu. Thay vì đi theo mô típ dân nhập cư hòa nhập quen thuộc, tác giả đã tước đi đặc quyền được tự nhìn thấy bản thể quen thuộc của độc giả. Tác phẩm có vẻ muốn khẳng định rằng việc tìm ra cái phổ quát trong hành trình của người tị nạn là bất khả thi vì một vết thương tâm lý không phải là điều phổ quát. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là lắng nghe (hoặc đọc).

Nói như thế có nghĩa Dragonfish là một tác phẩm văn học đầy sức mạnh. Qua việc sáng tác với thể loại tiểu thuyết trinh thám li kì, một thể loại thường tách biệt với thực tế, Vu Tran đã càng làm tách biệt độc giả với chính câu truyện đang được kể. Tác phẩm của anh bắt người đọc bước ra khỏi thế giới quan quen thuộc của mình và thử nhìn thế giới, dù chỉ trong giây lát, từ một cặp mắt khác. Nhưng thể loại gì đi nữa, đây cuối cùng vẫn là văn học đích thực.

Bạn có thể đặt mua Dragonfish tại đây: http://books.wwnorton.com/books/Dragonfish/

Người dịch: T.K.

Eric Nguyen tốt nghiệp đại học Maryland với bằng cử nhân chuyên ngành xã hội học cùng với chứng chỉ trong chuyên ngành đồng tính, song tính, và chuyển giới học. Anh hiện đang theo học bằng Thạc Sỹ Nghệ Thuật tại đại học McnNeese State và sinh sống tại bang Louisiana.


Bn có thích đc diaCRITICS không? Nếu có thì xin mời đăng ký nhn bài đây.

Vui lòng bỏ chút thời gian chia sẻ bài này. Chia sẻ (qua email, Facebook, v.v.) giúp quảng bá diaCRITICS. Mời bạn tham gia vào câu chuyện và để lại lời bàn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here