Chiêm Ngắm Đồng Hiện

Từ Syncrisis (2018), có trong triển lãm solo của Thùy-Hân Nguyễn-Chí, What My Eyes Behold Is Simultaneous. Ảnh của Jacobo Zambrano Rangel.

Xem một trận bóng bàn là chứng kiến cuộc trao đổi thâm cảm, phức tạp giữa hai cá nhân. Những người chơi làm biên đạo cho chính họ và cho nhau, thay đổi đường biên và khả thể, dẫn đường cho cơ thể của nhau, đung đưa nhịp nhàng, vặn xoắn. Trong What My Eyes Behold Is Simultaneous (tạm dịch: Chiêm Ngắm Đồng Hiện ), triển lãm cá nhân của Thùy-Hân Nguyễn-Chí, trò chơi bóng bàn là hình tượng của vòng lặp ảnh hưởng giữa người với người trong những quy mô lớn nhỏ, xuyên không-thời gian.

Syncrisis, 2018 [trích đoạn, chương I] từ Thùy-Hân Nguyễn-Chí trên Vimeo.

Trong tác phẩm Syncrisis (2018), người xem thấy quả bóng bàn chuyển động qua lại trong rừng đêm, dù quanh bàn hoàn toàn vắng mặt người chơi. Không gian triển lãm đầy ngập cảm giác ma ám giống những hiện tượng siêu nhiên, những ký hiệu từ kiếp trước , hay như bóng ma lập loè trong những video đa-lớp. Thước phim tư liệu về vụ tự thiêu khét tiếng của nhà sư Phật giáo Đại thừa Việt Nam Thích Quảng Đức được xếp chồng lên các lớp hình điện ảnh khác, do bố của Thùy-Hân lồng tiếng thuyết minh, mô tả lại trải nghiệm trực tiếp chứng kiến sự kiện và những chuyển biến trong định hướng chính trị của ông sau đó. Những tường thuật về cùng một sự kiện chồng xếp lên nhau, gợi vô số dấu vết lịch sử, phản ánh ký ức mỗi người như một tập hợp phức tạp gồm trải nghiệm cá nhân lẫn ký ức giả được kiến tạo từ chuyện kể gia đình hay văn hóa đại chúng.

Trịnh T. Minh-Hà, học giả và nhà làm phim nữ quyền với những bộ phim về mối quan hệ lưu vong của bà với “quê hương” và chính trị phản-dân-tộc-học, đã mô tả tác phẩm của mình như một mối liên hệ với miền không cùng (infinity). Cách tiếp cận của Thùy-Hân gợi sự không cùng này qua hành động hợp nhất các tình huống khác nhau thông qua những cảm xúc đồng hiện và khám phá tự do cá nhân dưới hệ thống đàn áp. Intergrade Hole (2015), bằng âm thanh, đưa một người lữ khách đến sa mạc Namibia trong bối cảnh đặt ở quá khứ lẫn tương lai, khi toàn bộ tài nguyên đất đai bị khai thác. Linger on Your Pale Blue Eyes (2016) trình bày tự sự của một nhà khoa học vắng mặt đang chạy trốn từ Đông Đức sang Tây Đức thời Chiến tranh Lạnh; cô nương theo sao trời để điều hướng lộ trình của mình. Ba tác phẩm đan cài quá khứ, hiện tại, tương lai, cho thấy cách lịch sử ẩn mình giữa người và nơi chốn.

Linger On Your Pale Blue Eyes, 2016 [trích đoạn] từ Thùy-Hân Nguyễn-Chí trên Vimeo.

Phong cách làm phim siêu thực, mơ ảo của Thùy-Hân yêu cầu chúng ta tưởng tượng một cách nhìn ít bị điều chỉnh bởi quy tắc, luật lệ. Trước mắt ta là một tấm màn dệt bởi giác quan, giọng nói lìa xác và những âm thanh, hình ảnh bất định. Qua việc giải thể trần thuật ở trên hoặc ngoài màn hình, nó chất vấn những quyền lực trần thuật của lịch sử vẫn đang được duy trì, đồng thời gợi ý phương thức làm chúng phân rã.

Nguyễn Hoàng Quyên dịch từ tiếng Anh của Minh Nguyễn


Từ Syncrisis (2018), có trong triển lãm solo của Thùy-Hân Nguyễn-Chí, What My Eyes Behold Is Simultaneous. Ảnh của Jacobo Zambrano Rangel.

Tháng 3 năm 2019

Hân thân mến,

Dạo này em hay nghĩ về cuộc sống như chuyến đi theo tuyến đường tròn. Dường như sợi dây bạc nối cuộc đời chị em mình vặn cong như một cuộn dây, một chuỗi những đường tròn. Mình tìm thấy mình ở những nơi đã qua, rà lại điểm này nơi nọ, truy tìm cái đã mất, tình cờ quay lại những ngõ cụt. Mình đi, mình trở về.

Em đã nghe tập tin âm thanh chị gửi qua email, cái clip có tiếng chị và cha của chị nói tiếng Việt. Chị mô tả nó như một hành động dệt . Chuỗi âm sắc bay rồi lặn trong giọng hai người là bài hát ghi sâu trong cơ thể em, một bài hát sẽ sống lâu hơn bản thân em. Em đã cuộn tròn mình trong nó. Có quá nhiều điều để nói, mà cũng có quá nhiều tiếng nói. Chẳng phải lời hứa của việc chia sẻ ngôn ngữ là để lên kế hoạch tìm lối thoát? Thật lạ khi cuối cùng nó lại chôn chúng ta sâu hơn vào mê cung. Cứ như ta quên mất mình đang tìm lối thoát, thay vào đó, lại đi phân tích khái niệm lối thoát và khái niệm đi tìm cho đến khi ánh sáng lạnh yếu dần, một ngày nữa trôi qua và chúng ta ngủ thiếp đi trong lòng mê cung.

Chị có nghĩ rằng gia đình là một nhóm những khẩu hình giống nhau không? Chị có nghĩ rằng quốc gia là một nhóm người học chung một bài thơ? Giống như Truyện Kiều, bài thơ sử thi Việt Nam được Nguyễn Du viết năm 1820 về một người phụ nữ tên Kiều đã hy sinh thân mình cho gia đình. Người ta thuộc lòng nó, ngâm nó ngoài chợ để thanh minh cho chuyện trái hồng chưa chín, hoặc để gắng chữa lành cho một quá khứ bạo lực hư vô. Câu chuyện nói rằng chúng ta, giống Kiều, mang phận cam chịu.

Thật dễ hơn biết bao khi tưởng tượng mình sẽ chết cho tình yêu thay vì sống cho nó. Em phục cách Trịnh T. Minh-Hà chuyển thể Truyện Kiều trong bộ phim A Tale of Love (tạm dịch: Một Chuyện Tình ) của bà, cách bà làm mờ câu chuyện gốc và đưa Kiều qua bao vùng trần thuật. Phiên bản Kiều của bà xé tan những trang giấy ràng buộc hàng ngàn cô Kiều xưa, mở đường trốn thoát đến một vùng đất hứa nơi cô có thể đọc và viết, yêu và lãng phí thời gian. Bộ phim cho em thấy điện ảnh như một lỗ sâu vũ trụ, một lỗ hổng tâm linh dẫn tới nơi một cô Kiều ẩn giật sống, cũng là nơi chúng ta có thể sống.

Từ Syncrisis (2018), có trong triển lãm solo của Thùy-Hân Nguyễn-Chí, What My Eyes Behold Is Simultaneous. Ảnh của Jacobo Zambrano Rangel.

Chị đặt tên cho chương nói về cha mình trong Syncrisis là “The In/extinguishable Fire” (tạm dịch: “Lửa (không) Tàn”), em đoán là tham chiếu tựa đề tác phẩm của Harun Farocki. Tác phẩm đó của Farocki thực sự làm em xúc động. Nói đúng hơn, nó làm em xúc động qua cách mà nó không hề làm em xúc động. Trong video, Farocki đọc một lá thư của Thái Bình Danh, một người sống sót sau một cuộc tấn công napalm của Mỹ ở Việt Nam năm 1966. Farocki nhìn vào máy quay hỏi, “Làm thế nào để chúng tôi cho bạn thấy vết thương do napalm gây ra? Chúng tôi chỉ có thể cung cấp cho bạn tái hiện đầy bất lực về hậu quả của napalm,” rồi ông đốt đầu điếu thuốc vào tay mình. Em đã xem Farocki tự làm bỏng bản thân và thay vì suy nghĩ về những vết bỏng do napalm thiêu đốt (những suy nghĩ này, giống như tiếng Việt, ghi sâu trong em), em lại nghĩ về ý nghĩa của việc mình nhìn thấy nhưng không cảm nhận được vết bỏng trên người Farocki. Đây là điều làm em băn khoăn về thế giới hình ảnh: chúng ta thấy rất nhiều lửa và tin rằng nó thiêu đốt nhưng hoá ra chúng ta không hề bị bỏng. Người ta nhận định rằng việc nhìn thấy tác hại của lửa sẽ lan truyền nhận thức về tác hại của lửa, nhưng có ai cần thêm bằng chứng cho thấy thế giới đang bốc cháy?

Trong Syncrisis có một đoạn cha của chị kể chuyện ông tận mắt chứng kiến vụ tự thiêu của Thích Quảng Đức. Sau khi xem bức ảnh của vụ tự thiêu, xem tất cả những bức ảnh chụp lại những gì cha mẹ mình đã thấy, liệu mình có bao giờ biết được những gì họ biết? Em trượt dài trên cây cầu trơn giữa việc nhìn và việc hiểu. Em xem bức ảnh nổi tiếng mà Malcolm Browne chụp, bức ảnh đã đoạt Giải Pulitzer và Giải Ảnh Phóng Sự Thế giới của Năm. Trong ngành nhiếp ảnh phóng sự, ảnh đoạt giải được gọi là ảnh “đi săn xác chết.” Đây cũng là mối băn khoăn của em về thế giới hình ảnh, rằng nó biến chúng ta thành kẻ nhìn trộm, khiến chúng ta đánh giá mọi thứ như một khung hình thẩm mỹ.

Phải làm sao để thay vì nắm bắt, chúng ta có thể nâng mọi thứ nhẹ nhàng hơn? Làm thế nào để chúng ta có thể trung thực, như Trịnh T. Minh-Hà viết, khi trung thực là ở giữa tất cả các định nghĩa về sự thật? Em có thể nói nhiều điều nữa với chị, nhưng để lần sau, bây giờ em sẽ kể cho chị điều này. Có một hiện tượng chưa được giải thích ở một số sinh vật biển, gọi là “natal homing.” Sau khi rùa biển rải rác trên đại dương rộng lớn, chúng gắng bơi trở lại nơi chúng được sinh ra để sinh sản. Chúng sử dụng từ trường của trái đất như một tín hiệu định hướng, thu nhận thông tin vị trí từ hai yếu tố, “góc nghiêng” và “cường độ.” Có lẽ lần sau khi chúng mình bỗng thấy mênh mang lạc hướng, mình có thể truy ra hướng đi bằng cách suy nghĩ như rùa biển. Mình có thể thử tự hỏi bản thân, “điều gì làm mình nghiêng đến độ lạc hướng?” và “cường độ của nó ra sao?”

Thân thương định dạng xoắn ốc, Minh

Nguyễn Hoàng Quyên dịch từ tiếng Anh của Minh Nguyễn


Artist Bios

Thuỳ-Hân Nguyễn-Chí (sinh ở Reutlingen, Đức) sống và làm việc tại Chicago, Hoa Kỳ. Cô học Lịch sử nghệ thuật và Văn tự Latin tại Đại học Goethe và học Mỹ thuật dưới Giáo sư Simon Starling và Giáo sư Peter Fischli tại Städelschule ở Frankfurt. Là một học giả của Quỹ học thuật quốc gia Đức, cô vừa tốt nghiệp bằng MFA về phim tại Viện nghệ thuật Chicago. Tác phẩm của cô nằm trong không gian giữa phim, video, âm thanh, trình diễn và nghiên cứu liên ngành. Với nhà soạn nhạc Gaile Griciute, cô thành lập Technologies of Non/Self, một bộ đôi làm việc trong không gian giao thoa giữa nghệ thuật đương đại và sáng tác âm thanh. Phối hợp với Gabriela Barreto Lemos (nhà vật lý lượng tử) và Francie Missbach (nhà tâm lý học), cô cũng đồng sáng lập Intercluster for Critical Intimacy, một tập thể khao khát kết nối nghệ thuật, khoa học và chuyển đổi xã hội thông qua các can thiệp liên ngành trong bối cảnh cụ thể.

Minh Nguyễn là một người viết và tổ chức chương trình triển lãm tại Chicago, Hoa Kỳ, cùng/thông qua Sài Gòn, Việt Nam. Bài viết của cô đã xuất hiện trong Art in America, AQNB, và Art Practical, và những tạp chí khác.

1 COMMENT

  1. Đọc tựa là không muốn đọc thêm. Tại sao cần dịch tựa bài bằng chữ nho? Tại sao dùng thứ chữ mình không thạo? “Chiêm ngắm” là một thứ chữ người thường gọi “nửa nạc nửa mỡ.”
    Tôi xin thử dịch tựa qua tiếng Việt; không dám cho là hay hay đúng…hoàn toàn, nhưng dám nghĩ đó là tiếng Việt. “Những gì mắt tôi thấy hiện lên chung nhau.”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here