Điều tra dân số & Cha tôi

Read “Điều tra dân số & Cha tôi” / “To Find a Tribe: What the Census Meant to My Father & Means to Me” in English here.

Mặc dù là một tiến trình quan liêu và khô cằn, Thống Kê Dân Số đã tạo ra đầy rẫy tranh luận do những ảnh hưởng sâu rộng của nó đối với việc phân bổ quyền lực, ngân quỹ, và cách nước Mỹ hiểu chính mình. Bởi vì dịch Covid-19, Cục Thống Kê Dân Số đã kéo dài lịch trình tới cuối tháng Mười để thăm dò những người không hồi đáp và tiến hành phỏng vấn bổ túc những người đã trả lời; nhưng vừa rồi Cục Thống Kê Dân Số đã thông báo sẽ dời thời hạn này sớm hơn sang tháng Chín, làm tăng thêm nghi vấn rằng chính quyền hiện nay có ý định dùng Thống Kê Dân Số như một vách ngăn về chính trị hơn là một công cụ để tập hợp quốc dân.

Hồi cuối năm 2019, tôi đọc một bài viết (tiếng Anh) về những dự đoán rằng tới năm 2044 người Mỹ da trắng sẽ không còn là sắc dân chiếm phần đa số. Phát biểu đó khiến một số nhà nhân khẩu học và chính trị học băn khoăn; vì đó là những nghi vấn mang tính suy luận – lịch sử cho thấy các phạm trù chủng tộc và dân tộc chuyển dịch qua thời gian – và cũng vì điều này khuấy lên những phản ứng dữ dội từ các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc trọng da trắng.

Cuộc tranh luận đã khiến tôi xúc động mạnh. Đối với cha tôi, người qua đời tám tháng trước, Thống Kê Dân Số là một cơ hội để đề cao sắc dân người Việt nhập cư. Với tôi, điều này phức tạp hơn. Thống Kê Dân Số ủng hộ dân chủ thông qua sự đại diện tốt hơn song lại khơi gợi những cách diễn dịch gây chia rẽ cộng đồng. Tôi bị cuốn vào mối phiền muộn khi cố gắng hóa giải những đưa đẩy trong quan hệ của chúng tôi khi nghĩ về Thống Kê Dân Số.

Cha tôi là một điều phối viên phục vụ cộng đồng lý tưởng cho Thống Kê Dân Số 2000. Ông ấy dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ là người nhập cư trong hệ thống trường học công của thành phố Philadelphia trong vòng 30 năm; trong đó có nhiều đứa bé là người Việt Nam. Ý thức trách nhiệm của ông trong việc trợ giúp, với tư cách là người thông hiểu về nước Mỹ do đã du học ở đây vào thập niên 1960, khiến ông trở thành một nhân viên xã hội, cố vấn, thông dịch và tư vấn pháp lý cho nhiều gia đình của các học sinh. Cha tôi lãnh đạo Hiệp Hội Người Mỹ gốc Việt ở địa phương trong nhiều năm. Khi chúng tôi tới dự lễ tại nhà thờ Công giáo ở Nam Philadelphia, nơi tập trung giáo dân gốc Việt lớn nhất trong vùng, linh mục đã mời ông lên ngồi ở băng ghế đầu. Nếu nước Mỹ cần một sứ giả cho những nỗ lực thống kê lớn, rất ít người có vốn liếng và thành tích hoạt động xã hội nhiều hơn cha tôi.

Đưa đồng bào của ông tham gia vào Thống Kê Dân Số là sự mở rộng đương nhiên trong công việc phục vụ cộng đồng của cha tôi – để đảm bảo người Việt được đại diện trong bức chân dung tự họa của Hoa Kỳ. Ông đã làm hết sức, đi tới từng nhà, diễn thuyết, phân phát các tài liệu về Thống Kê Dân Số từ các thùng đồ trong phòng ngủ và tầng hầm nhà ông tới nhiều khu dân cư khác nhau.  Những đồ lưu niệm của cuộc Thống Kê Dân Số ông cho tôi vẫn lẩn khuất trong nhà; tôi không thể bỏ được những chiếc nón bóng chày và những chiếc li sứ màu đỏ và trắng không hợp với việc gì khác.

Đối với cha tôi, tham gia vào Thống Kê Dân Số là để phục vụ cho đồng bào chứ không phải cho bộ máy chính trị. Thời thơ ấu của ông ở miền Bắc Việt Nam trải qua những thập niên sóng gió, khi phần đất rắc rối của Đông Dương này bị giành giật bằng vũ lực từ tay Pháp, Nhật tới Cộng Sản, rồi chịu sự giật dây can thiệp của Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Cuộc cải cách cộng sản đã cướp sạch tài sản của gia đình ông, đấu tố bác ông đến chết, và khiến cha ông chết trong tù vì tội sở hữu đất đai và cố gắng giữ trung lập chính trị. Khi Việt Nam bị chia đôi năm 1954, ông 17 tuổi và di cư vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Ông đã tự vươn lên tầng lớp trung lưu, chỉ để mất tất cả lần nữa vào năm 1975, khi chúng tôi bỏ chạy sang Mỹ.

Trải qua tất cả, những điều đã giúp cha tôi trụ vững là gia đình, cộng đồng tín đồ Công Giáo mà ông đã gia nhập khi ở Sài Gòn, và nhóm bạn giáo chức đã từng nỗ lực cải cách nền giáo dục Việt Nam, và nhiều người trong số họ đã tái hợp ở Hoa Kỳ. Ông hàm ơn sâu sắc việc được làm công dân Mỹ, song cũng thấm thía rằng chính thể đến rồi đi, chỉ có các sắc tộc trường tồn.

Niềm tin này đã nuôi cấy một phần quan niệm của ông vào cảm nhận của tôi về phục vụ cộng đồng. Tại sao tôi nên đại diện cho những người xa lạ giải quyết những vấn đề xã hội thay vì hành nghề y tế tư nhân?

Sắc tộc, như tôi thấy, có ý nghĩa khác với tôi. Khi di dân sang đây tôi mới 7 tuổi. Tôi học nói tiếng Anh giọng bản xứ trong vòng một mùa hè và là đứa trẻ châu Á đầu tiên trong trường học. Tôi cho rằng việc tiếp nhận các âm sắc tiếng Việt đã nuôi dưỡng sợi dây trung tính trong tôi mà các bạn tôi có vẻ không có hay không muốn sử dụng, chẳng hạn tôi có thể bắt chước tất cả những kiểu nói khác nhau của chúng bạn. Tôi ra vô nhóm này rồi nhóm khác, như một người đa ngôn ngữ, có thể nói giống vừa đủ và ghi nhận những thói quen khác của họ.

Sự phong phú về bản sắc đã tràn ra ngoài những ranh giới về dân tộc/chủng tộc và kinh tế xã hội rạch ròi theo phân định trong Thống Kê Dân Số. Tôi đã nhận biết thế giới mới của mình bằng cách mang thử những đôi giày văn hóa khác. Tôi vừa có thể bàn luận về những tiểu thuyết của Dorothy Sayers với các các cô bạn thân là con cái của các giáo sư, vừa có thể lê la cùng chúng bạn đường phố trong các trại hè công cộng. Tôi nghe nhạc dân gian của quần đảo Anh quốc vì thầy giáo yêu thích của tôi thích nghe, và giờ đây trôi ra biển rộng – âm nhạc và vũ điệu dân gian Anh – Mỹ với người chồng gốc Do Thái và các con của chúng tôi. Theo dòng chảy cuộc sống, tôi nhào nặn bản sắc Việt của riêng mình, chọn giữ hay không một nét văn hóa nào đó.

Lướt qua các nhóm sắc tộc đã trở thành một thói quen. Điều này biến tôi thành thông dịch và sứ giả. Tôi đem các kinh nghiệm làm bác sĩ cho những cộng đồng nghèo vào những bối cảnh nghiên cứu trong sạch hơn, khi vừa phân tích vai trò của tiền bạc trong y tế vừa bị giày vò bởi những hồi ức về các lỗ hổng tài chính đã tạo ra khó khăn và thiếu thốn trong đời sống. Khi tham gia chính phủ, nhiều khi tôi bị mắc kẹt giữa các nhà lãnh đạo khác khi họ phải liên tục đưa ra nhiều quyết định trong một ngày, và các nhà phân tích, những người nhân danh lòng tốt đề nghị với tôi hãm mọi việc đủ chậm để các số liệu và chứng cứ thể hiện. Khi chuyển sang khu vực tư nhân vốn có nhiều phản ứng lại với luật lệ, các đồng nghiệp thường đùa rằng phải chăng tôi mới nhập vào phía bóng tối.

Chỉ tới năm 2000 cuộc Thống Kê Dân Số mới cho phép người trả lời tự nhận bản sắc của mình nhiều hơn một chủng tộc, như thể sự pha trộn huyết thống giữa các sắc tộc chưa từng dai dẳng từ trước khi lập quốc. Bản sắc văn hóa lai của tôi làm cha tôi lúng túng. Điều này đủ kỳ lạ với tôi khi có những thói quen không phải trong dòng chính mà trong tư duy về sắc tộc một mất một còn của ông, việc tôi mang sự trung thành mới tạo ra nguy cơ cần hy sinh một điều gì đó để có chỗ cho lòng trung thành ấy. Có thể ông sợ rằng tôi sẽ chối bỏ những gì kế thừa từ ông. Rốt cuộc tôi cũng thấy là gần cuối đời cha tôi mơ hồ hiểu rằng tôi là người Việt 100 phần trăm, là bác sĩ 100 phần trăm, và 100 phần trăm từng bản sắc khác của tôi.

Sự di chuyển giữa các sắc tộc của tôi để lại những dấu ấn, giúp thấu hiểu lẽ thường cũng như khoan dung điều khác thường. Nó bắt buộc ta nhiều khi cùng một lúc phải nhìn nhận nhiều sự thật có khi xung khắc nhau, và tránh lâm vào những suy xét đen trắng rõ ràng. Nó cũng khiến ta có cảm giác vừa không nhà vừa có nhà ở khắp nơi nơi. Và trong những thời khắc kỳ diệu, làm thay đổi cách mọi người nhìn ta. Trong một cuộc thực tập luân chuyển ở trường y tại một đặc khu dành cho người da đỏ, tôi như được lùi về quá khứ khi các bệnh nhân không hỏi đồng nghiệp khác mà hỏi tôi những câu rất cá nhân: tôi người gốc Á nước nào; sống ở thành phố lớn nào; có bao nhiêu anh chị em ruột và bao nhiêu anh chị em họ. Người trưởng phòng giải thích rằng tôi có hình thức và hành xử gần gũi hơn với họ so với các bác sĩ da trắng; và họ cố tìm hiểu xem tôi thuộc sắc tộc nào!

Phần Khảo Sát Cộng Đồng Hoa Kỳ dài hơn của Thống Kê Dân Số nhắm vào các nhóm người hồi đáp riêng biệt, đặt câu hỏi liên quan đến chính sách như bảo hiểm sức khỏe, thời gian đi lại khi đi làm và năng lượng sưởi ấm nhà ở, nhưng không hỏi về sự tham gia tổ chức tôn giáo,  các mạng xã hội hay hoạt động giải trí. Tôi không giả định rằng cuộc thống kê mỗi thập niên của chính phủ có thể hoặc nên theo đuổi từng chi tiết văn hóa. Song cũng không nên ngạc nhiên khi những hạng mục bề nổi xóa mờ sự đan xen lợi ích của chúng ta và quảng bá cho những kết luận mang tính thất bại như nước Mỹ da trắng đang dần biến mất thay vì lạc quan nhìn nhận sự hòa hợp kỳ diệu của tấm vải quốc gia đa sắc dân.

Cha tôi yêu quí những đứa cháu lai của ông. Trong những năm cuối đời, ông đi du lịch khắp nơi, thử tập nghe nhạc  jazz, và thậm chí còn tham gia vào chính trị của đảng Cộng hòa. Nhưng ông chưa bao giờ cảm thấy như ở nhà khi ra khỏi cộng đồng Việt nam. Có lẻ những điều bắt đầu như một chiến lược sống với tôi cũng là một thứ xa xỉ; tất cả những mất mát khôn cùng của ông đã mang lại những món quà lớn về an ninh và thịnh vượng dành cho con cái tại Hoa Kỳ. Điều này cho phép tôi có lòng trung thành linh hoạt.

Vì lợi ích của bộ máy chính trị, tôi hoan nghênh Thống Kê Dân Số và mong muốn việc thực thi được thấu đáo và công bằng. Tôi chỉ hi vọng rằng nó sẽ củng cố chứ không làm nhụt khả năng vươn tới hay đón nhận, để chúng ta biết tìm ra chỗ đứng giữa cánh cửa và tấm gương.


Phạm Hoàng Mai là bác sĩ và là cựu Giám đốc Đổi mới (CIO) của cơ quan giữ trách nhiệm điều hành Medicare.

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here