Imagine: after April 30, 1975, statues of the former Republic of Vietnam’s defeated generals and soldiers suddenly appeared in southern Vietnam. And imagine the three-stripe yellow flag still flying here and there. Of course, such things had not happened, could not happen because the strategic Communist regime rounded up thousands of people associated with the Republic of Vietnam into “re-education” camps and then rewrote history as it saw fit.
But such memorialization of the defeated did occur in the United States.
This article (republished from Da Màu) examines how the Civil War’s defeated side erected thousands of statues and memorials for the treasonous Confederacy across Southern states and elsewhere in the United States, including the Arlington National Cemetery. Trùng Dương demonstrates how the American South’s historical narratives and images perpetuate a history of anti-Black, systemic racism and therefore should be torn down. Conversely, she wonders when Vietnam will have its reckoning of history.
~~
Sự thật đằng sau việc tháo gỡ các tượng đài ở Mỹ
Thử tưởng tượng một thời gian sau khi Miền Nam thất thủ vào ngày 30 tháng 4, 1975, các tượng đài của các tướng sĩ của phe thua cuộc Việt Nam Cộng Hòa bỗng được dựng lên nhan nhản tại các tỉnh thành hay những địa danh ghi dấu các trận đánh lịch sử? Và thử tưởng tượng lá cờ vàng ba gạch đỏ vẫn tung bay đâu đó tại một vài nơi ở Việt Nam?
Tất nhiên đó là chuyện đã không xẩy ra, không thể xẩy ra vì Cộng sản VN khôn ngoan đã lùa các quân dân cán chính của chế độ cũ vào các trại gọi là học tập cải tạo, nói là từ ba đến 10 ngày thôi rồi sẽ về với gia đình, làng xóm. Hàng ngàn, vạn người miền Nam đã tin theo và rủ nhau đi trình diện học tập, hy vọng sau đó được phục hồi quyền công dân và được phép đóng góp xây dựng một nước Việt Nam thống nhất hòa bình trong thịnh vượng.
Kết quả ra sao, ai cũng đã biết. Cộng sản Việt Nam đã viết lại lịch sử của “bên thắng cuộc” và đã bóp méo, hoặc cả loại bỏ, sự thật như thế nào, ai cũng đã rõ.
Thế mà chuyện phe thua cuộc lại có được cái khả năng viết lại lịch sử, chẳng những thế đã dựng lên trước sau cả ngàn tượng đài để tưởng niệm những vị “anh hùng” của phe mình, đã xẩy ra ngay tại Mỹ.
Những tượng đài cho phe thua cuộc
Tôi thú thật không khỏi ngạc nhiên khi biết có cả ngàn pho tượng đã được dựng lên để tưởng nhớ “công lao” của các nhân vật từ tướng tá tới các chính trị gia của phe quân phiến loạn trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc cách nay đã 165 năm.
Những pho tượng không chỉ nằm trong phạm vi 11 tiểu bang của quân ly khai Confederate thời Nội chiến ở miền Nam nước Mỹ mà còn lan tràn cả ở miền Bắc, kể cả thủ đô Hoa Thịnh Đốn, và rải rác các nơi khác. Chưa kể cờ quạt của quân phiến loạn Confederate còn tung bay tại các tòa hành chính của ít ra năm tiểu bang, và trước một số tòa án, như một răn đe những kẻ không tin ở lịch sử đã-được-viết- lại của họ và giai cấp thượng đẳng của người da trắng. Cho tới gần đây.
Việc người da đen và nhiều người da trắng và da mầu khác đòi những tượng đài và biểu tượng của phe ly khai phải được tháo gỡ thực ra không chỉ đang diễn ra gần đây, mà bắt đầu từ nhiều thập niên trước. Đòi hỏi này bùng lên ở mỗi biến cố nổi bật gây phẫn nộ, đòi xét lại và cả chống xét lại.
Gần đây hơn cả là các biến cố như vụ tàn sát tại nhà thờ ở Charleston, South Carolina năm 2015, làm chín tín đồ da đen thiệt mạng vào tay một cậu thanh niên da trắng tự cho mình cái sứ mệnh bảo vệ thế thượng đẳng của giống da trắng. Rồi vụ diễn hành của nhóm liên minh da trắng cực hữu ở Charlottesville, Virginia, năm 2017, dẫn đến xô sát với những người biểu tình chống họ, làm 30 người bị thương, và một phụ nữ bị thiệt mạng khi một người của phe cực hữu đâm xe vào đám đông phản đối cuộc diễn hành. Và gần đây nhất là vụ người đàn ông da đen tên George Floyd bị ngạt thở chết dưới đầu gối của một cảnh sát da trắng ở Minneapolis, Minnesota, đã làm bùng nổ những cuộc biểu tình Black Lives Matter phản đối bạo hành của cảnh sát, đòi bình đẳng và công lý, với sự tham dự không chỉ của dân da đen mà còn thu hút nhiều người da trắng và da mầu khác, đa số thuộc giới trẻ.
Việc đòi gỡ bỏ các tượng đài này, theo nhiều chuyên gia sử học, dựa trên ý niệm rằng các tượng đài này hiện diện như một vinh danh cấp thượng đẳng của chủng tộc da trắng, ghi nhớ một tà quyền dựa trên chính sách duy trì chế độ nô lệ, và sự hiện diện của những tượng đài Confederate như một tiếp diễn nhằm dọa dẫm, tước quyền công dân và gạt người Mỹ gốc Phi ra ngoài lề.
Nhiều bài báo, nhân vật tên tuổi đã lên tiếng hỗ trợ việc gỡ bỏ các tượng đài và biểu tượng củ quân ly khai đó, trong đó có nhà làm phim tài liệu tên tuổi Ken Burns, tác giả của bộ phim “Civil War” dài 11 tiếng. Qua cuộc phỏng vấn trên CNN gần đây, ông Burns đã khẳng định việc cần thiết phải gỡ bỏ những tượng đài này vì chúng không phản ảnh sự thực lịch sử. Nhiều chính quyền tiểu bang, quận, thành phố và các cơ sở văn hóa cũng đã và đang đáp ứng đòi hỏi này.
Ông Mitch Landrieu, khi còn làm thị trưởng điều nghiên việc tháo gỡ bốn pho tượng quân ly khai tại New Orleans vào mùa xuân năm 2017 và là tác giả hồi ký “In the Shadow of Statues,” nói phe Confederacy đã đi ngược lại tinh thần nhân loại.
“Việc di rời các tượng đài này gửi ra một thông điệp rõ ràng và không suy xuyển tới cư dân New Orleans và toàn quốc rằng New Orleans chào đón sự đa dạng, tính bao gồm và lòng độ lượng,” ông Landrieu, một người sinh trưởng tại miền Nam với 30 năm hoạt động trong chính quyền, tuyên bố. “Di rời các tượng đài Confederate này không phải là lấy đi cái gì của ai hết… [mà là] cho thế giới biết là chúng ta như một thành phố và một dân tộc có khả năng nhìn nhận, hiêu biết và hòa giải, và quan trọng hơn cả, biết chọn một tương lai tốt đẹp hơn.”
Cơ quan Southern Poverty Legal Center liệt kê những địa danh nơi các tượng đài hoặc biểu tượng của phe thua cuộc đã mọc lên như nấm nhằm “cả vú lấp miệng em” xóa bỏ cái lịch sử kỳ thị chủng tộc vô luân của họ bằng “chính nghĩa” tranh đấu cho quyền của tiểu bang chống lại sự độc đoán của Liên bang.
Tại sao có sự kiện hàng ngàn pho tượng của quân phiến loạn đòi ly khai được dựng lên khắp nơi trên đất Mỹ mặc dù cuộc Nội chiến nhằm xóa bỏ chế độ nô lệ đã kết thúc từ hơn thế kỷ rưỡi nay?
Viết đến đây tôi chợt nghĩ tới bài thơ của cô giáo Hà Tĩnh độ nào đã kêu lên “đất nước mình ngộ quá” khi thấy những “dự án và tượng đài nghìn tỉ” nhằm tôn xưng các tay lãnh đạo cộng sản được dàn dựng lên khắp nơi trên một đất nước mà sông ngòi, cây cỏ, cá chết hàng loạt vì ô nhiễm và dân nghèo xác sơ phải đi tha phương cầu thực, nhiều người chết bờ chết bụi.
Nếu biết chuyện hàng ngàn pho tượng của phe thua cuộc ở Mỹ chắc cô giáo còn thấy “ngộ” hơn.
Từ phiến loạn, thua cuộc tới viết lại lịch sử
Cuộc nội chiến Hoa Kỳ diễn ra từ 1861 tới 1865 giữa quân chính phủ Liên bang và quân ly khai Confederate, một liên minh giữa 11 tiểu bang ở miền Nam. Nguyên nhân vì các tiểu bang miền Nam từ chối bãi bỏ chế độ nô lệ, nguồn kinh tế chính của họ, và đòi ly khai khỏi Liên bang để lâp ra một quốc gia khác mà họ đặt tên là Confederate States of America. Cuộc chiến đã giết hại trên dưới 700,000 nhân mạng; và kết thúc với phần thắng lợi của chính phủ Liên bang dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Abraham Lincoln thuộc đảng Cộng hòa.
Người da đen cũng đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng này. Tổng số người da đen góp mặt trong quân đội Liên bang là 185,000 người, chia thành 175 đơn vị, và chiếm 10 phần trăm tổng quân số Liên bang. Họ là những người gốc Phi tự do hoặc nô lệ ở miền Nam bỏ trốn, nhưng cũng có một số thuộc các chủng tộc thiểu số khác. Khoảng 20 phần trăm trong đoàn quân mệnh danh là Quân Mỹ Da Mầu (The United States Colored Troops) bị tử vong. Nhiều người đã nhận được các huy chương do sự chiến đấu quả cảm, trong đó có 15 Huy chương Danh dự (Medal of Honor) cao nhất.
Mặc dù thắng cuộc, chính phủ Liên bang vẫn đối xử nhân đạo với phe thua cuộc. Ngay từ giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt, vào cuối năm 1863 và kế đó, TT Lincoln đã ban hành một số tuyên ngôn ân xá liệt kê những thành phần nào trong quân phiến loạn có thể nhận được ân xá sau khi thề trung thành với Hiến pháp và luật liên bang liên quan tới việc bãi bỏ chế độ nô lệ. Sau khi TT Lincoln bị ám sát chỉ vài ngày sau khi cuộc chiến kết thúc, người thừa kế ông là TT Andrew Johnson tiếp tục ban hành thêm những điều kiện để được ân xá mà không bị mang tội phản quốc.
Tám tháng sau khi cuộc chiến kết thúc, vào ngày 25 tháng 12, 1965, TT Johnson ký sắc lệnh ân xá vô điều kiện toàn thể quân nhân đã tham dự vào cuộc chiến. Tuyên ngôn này, mệnh danh là “Ân xá Giáng Sinh” (The Christmas Pardon), giúp phục hồi mọi quyền hiến định và sự che chở của luật pháp cho quân của phe thua cuộc.
Tóm lại, theo sử gia William A. Blair thuộc Đại học Penn State, tác giả cuốn “With Malice Toward Some: Treason and Loyalty in the Civil War Era” (2014), phe thắng cuộc đã có những nỗ lực nhân đạo nhằm hòa giải với tập đoàn của phe phiến loạn và giảm bớt hận thù. Tác giả cho biết không có một nhân vật nào của phe thua cuộc bị xử về tội phản quốc, kể cả Tổng thống Confederate Jefferson Davis và Tướng Lee. Song cũng chính vì chính sách khoan dung đó của bên thắng cuộc, theo sử gia Blair, mà khi cơ hội đến phe thua cuộc đã có dịp viết lại lịch sử theo cảm quan của họ qua cái gọi là “Cult of Lost Cause” (Giáo phái của chính nghĩa bị thất lạc) mà tôi sẽ đề cập tới ở phần sau.
Nhờ ảnh hưởng của đảng Cộng hòa thời TT Lincoln, và do việc Quốc hội thời hậu chiến nằm trong tay đảng Cộng hòa, ba tu chính án nền tảng của công cuộc giải phóng dân da đen sau trên hai thế kỷ bị nô lệ đã được ban hành. Đó là TCA 13 chính thức hủy bỏ chế độ nô lệ; TCA 14, công nhận quyền công dân tự nhiên của bất cứ ai được sinh ra trên đất Mỹ; và TCA 15, công nhận quyền đầu phiếu của đàn ông da đen. (Phụ nữ Mỹ mãi tới năm 1920 mới được quyền đầu phiếu, qua TCA 19, ban hành năm 1920, sau trên bẩy thập niên tranh đấu cam go, kể cả bị tù tội.)
Trong thời kỳ Tái thiết (Reconstruction) diễn ra từ năm 1865 đến 1877, chính quyền Liên bang, qua sự hiện diện của quân Liên bang trấn đóng tại năm vùng quân sự (military districts) ở miền Nam, mỗi vùng do một vị tướng của quân Liên bang cai quản, có phần vụ trông coi công cuộc cải thiện đời sống của 4 triệu dân da đen tự do và giai cấp da trắng nghèo ở miền Nam.
Nhiều thay đổi chưa từng có đã diễn ra tại các tiểu bang miền Nam của phe thua cuộc, gồm có việc thiết lập các nhà thương công, trường học miễn phí, trợ giúp cho người nghèo qua các dịch vụ xã hội cần thiết đã không từng hiện hữu trước kia. Về hành chánh thì các tòa án Liên bang được thiết lập thay thế cho chính quyền tiểu bang. Những cuộc hội thảo về quyền hiến định, như quyền đầu phiếu, việc phê chuẩn các Tu chính án 13, 14 và 15 và Luật Dân Quyền 1875 luôn có nhiều người tham dự, học hỏi và trao đổi.
Kết quả, các sử gia ghi nhận trong thời kỳ Tái thiết này, có tổng cộng 600 dân biểu gốc da đen tại các quốc hội tiểu bang, 14 dân biểu và hai thượng nghị sĩ Quốc hội Liên bang, và nhiều thẩm phán, cảnh sát quận trưởng và các viên chức da đen khác tại các tiểu bang miền Nam. Các tổ chức tư nhân, như Union League and the Southern Farmer’s Alliance, giữa người da đen và da trắng nghèo đã giúp giải phóng cả hai giới khỏi sự lệ thuộc kinh tế vào giới có tài sản.
Phe thua cuộc đã hẳn nuôi dưỡng sự căm hờn, chờ ngày quật khởi. Ngấm ngầm thì họ đã có những cuộc bạo động đối với người da đen ngay cả trong thời kỳ Tái thiết.
Sau 12 năm Tái thiết, một phần lớn do không khí chính trị tại Hoa Thịnh Đốn bắt đầu thay đổi với sự dần dà yếu thế của đảng Cộng Hoà, chính phủ Liên bang quyết định chấm dứt các chương trình Tái thiết, đóng cửa các căn cứ tại các vùng quân sự, và kéo quân Liên bang về Bắc vào năm 1877. Toàn thể dân da đen tại miền Nam sau đó nằm gọn trong vòng tay sinh sát của người da trắng.
Họ đề ra các luật lệ, như bộ luật Black code dành riêng cho dân da đen và bộ luật Jim Crow nghiệt ngã, để khủng bố dân da đen và ngăn cản họ hành xử quyền hiến định của họ. Và đặc biệt kinh hoàng hơn cả đối với dân da đen là tổ chức Ku Klux Klan mà người Việt nào cũng đã từng nghe nói tới, thường xuyên khủng bố dân da đen ngày cũng như đêm.
Tổng cộng có khoảng 4,000 người da đen đã bị hành quyết bằng treo cổ (lynching) bởi đám đông, phần lớn vì những hành vi nhỏ nhiều khi bịa đặt, như đụng phải một phụ nữ da trắng. Tại các cuộc hành quyết đó, người ta kéo nhau đi xem đông như chẩy hội. Nhiều người gọi đây là chế độ nô lệ thứ hai ở Mỹ.
Nhiêu đó chưa đủ. Người da trắng miền Nam còn tìm cách viết lại lịch sử của cuộc Nội chiến.
Phong trào ‘Lost Cause’
Theo các sử gia, các tượng đài tưởng niệm các nhân vật của phe phiến loạn nhan nhản khắp nước Mỹ là kết quả của một phong trào có tổ chức tinh vi. Năng động và hữu hiệu nhất là tổ chức United Daughters of the Confederacy, thiết lập vào năm 1894 ở Nashville, Tennessee, tiếng là để bảo tồn văn hóa của phe ly khai cho các thế hệ sau, qua việc viết lại lịch sử, không chỉ bằng công tác dựng các tượng đài vinh danh các chiến sĩ của họ mà còn qua các chương trình văn hoá giáo dục.
Theo đó, “chính nghĩa” của phe Confederate, mệnh danh là “Lost Cause” — chính nghĩa bị thất lạc, cần được vãn hồi – được xây dựng trên niềm tin rằng đấy là một cuộc tranh đấu dũng cảm nhằm duy trì nếp sống vốn tốt đẹp của miền Nam chống lại sự áp đặt độc đoán của chính quyền Liên bang. Rằng chế độ nô lệ thực ra là một thể chế nhân từ qua hình ảnh các gia đình người da đen dẫn nhau đi picnic, đàn hát, trẻ em nô đùa hồn nhiên. Và, quan trọng hơn cả, chế độ nô lệ không bao giờ là động cơ tham chiến của miền Nam (mặc dù tài liệu chứng cớ trên giấy trắng mực đen còn đầy dẫy trong các văn khố công của miền Nam).
Các bà trong hội đều thuộc thành phần gia đình có địa vị cao trong xã hội. Họ đã dùng ảnh hưởng đó để đẩy mạnh phong trào biện minh cho sự thiếu chính nghĩa của phe thua cuộc nhằm viết lại, đúng ra là bóp méo, lịch sử cuộc Nội chiến. Tồn tại tới ba phần tư thế kỷ, số hội viên UDC có lúc lên tới 100,000 người. Qua các buổi thuyết trình, gây quỹ, thuê chuyên viên vẽ và tạc tượng đài, rồi vận động các chính quyền địa phương để dựng tượng các anh hùng của họ ở các chốn công cộng, như các tòa nhà quốc hội, toà đô chính, các tòa án, dọc các đường chính, trong công viên khắp miền Nam. Bất cứ nơi nào có dính líu chút ít với Confederate đều đáng để dựng bảng ghi nhớ.
Theo sử gia Karen Cox, tác giả cuốn sách về tổ chức UDC, “Dixie’s Daughters: The United Daughters of the Confederacy and the Preservation of Confederate Culture,” bảo là các bà trong UDC đã chủ ý biến huyền thoại “Lost Cause” thành một sự thật lịch sử quả không sai.
“Họ chính là lãnh tụ của phong trào ‘Lost cause,’” sử gia Cox nói, trong một cuộc phỏng vấn với Vox Media. “Họ rất hữu hiệu, như việc họ đã thành công trong cuộc vận động để dựng tượng đài tưởng niệm quân Confederate ở ngay trong Nghĩa trang Quốc gia Arlington mà chính Tổng thống Woodrow Wilson đã hãnh diện khánh thành trước một đám đông reo hò. Điều đó đủ chứng tỏ họ hữu hiệu tới mức nào, phải không?”
Nhờ vận động của các bà trong UDC, hiện nay ở Mỹ có 1,747 tượng đài của phe thua cuộc, theo Southern Poverty Law Center. Ngoài ra, 103 trường tiểu và trung học và ba trường đại học được đặt tên của Tướng Robert E. Lee, Tổng thống Jefferson Davis và các nhân vật phiến loạn Confederate khác; 80 quận và thành phố mang tên của quân ly khai; năm tiểu bang công nhận chín ngày lễ kỷ niệm lịch sử của phe ly khai; và 10 căn cứ quân sự Mỹ được đặt tên quân phiến loạn.
Xây dựng tượng đài tưởng niệm chỉ là chuyện bề mặt, theo sử gia Cox. Cái ảnh hưởng lâu dài và còn tiếp tục tới tận hôm nay là tinh thần kỳ thị, mệnh danh là nạn kỳ thị chủng tộc có hệ thống (systemic racism), đã được tiêm nhiễm vào các thế hệ kế qua sách giáo khoa nhằm dậy trẻ em “sự thực về lịch sử Confederate.”
Ngoài ra, các bà UDC còn vận động gây áp lực các thư viện trường và công công cộng loại bỏ hoặc ghi ngoài bìa các sách “phản động” câu “bất công đối với miền Nam.” Và họ còn lập ra những tổ chức ngoại vi, như Con Cái của Confederacy, cùng những buổi học tập “giáo lý Confederate” cho các em từ nhỏ tới 18 tuổi, với phần thưởng cho em nào thuộc lòng những đoạn “giáo lý” dài về cái gọi là “Lost cause” của miền Nam.
“Họ hiểu việc xử dụng giáo dục — ai thắng trận trên trường văn trận bút, ai thắng trận trên lịch sử — ấy chính là người thắng cuộc chiến,” sử gia Cox nói. “Họ biến lịch sử thành chuyện riêng tư, do đấy mà nó sống lâu. Nhiều thế hệ trẻ em đã được nuôi dưỡng trong những chuyện kể lịch sử như thế và đã lớn lên trở thành những kẻ phân biệt chủng tộc (segregationists) trong các thập niên 50 và 60. Bởi vì họ đã được khuôn đúc như vậy từ tấm bé.”
Công trình của các bà trong UDC kéo dài từ cuối thế kỷ 19 tới sau đệ nhị Thế chiến.
“Thế nhưng việc tác hại kể như đã hoàn tất,” sử gia Cox nói.
Sự thật lịch sử
Trở lại những cuộc biểu tình đòi xóa bỏ các tượng đài của phe ly khai Confederate, rồi từ đó lan ra các biểu tượng khác liên hệ tới những lịch sử khác, như lịch sử của dân bản xứ da đỏ tại Mỹ, của thời thực dân tàn bạo đã dẫn tới những cuộc chinh phạt, chiếm đóng và tiêu diệt văn hoá của, nếu không là diệt chủng, các sắc dân bản xứ.
Lẫn trong những cuộc biểu tình đòi xét lại lịch sử này đôi khi có những hành động phá hoại quá khích, do thiếu suy xét hoặc hiểu biết. Tuy nhiên, không thể vì thế mà kết luận nông nổi và tiêu cực về mục đích sâu xa đằng sau những cuộc biểu tình này, đó là đòi hỏi sự thật lịch sử phải được tôn trọng.
Phe phiến loạn Confederate đã bỏ ra gần một thế kỷ để tẩy não dân Mỹ về sự thật dẫn tới cuộc Nội chiến mà họ là kẻ thua cuộc. Họ đã thành công, song cũng chỉ tới một lúc nào đó. Cuối cùng, sự thật đã và đang thắng. Phản ứng tích cực của nhiều giới trong các chính quyền tiểu bang, quận, tỉnh và các cơ sở văn hóa đối với việc gỡ bỏ những tượng đài và biểu tượng của quân phiến loạn, đặc biệt việc gần đây nhất khi tiểu bang cuối cùng là Mississippi quyết định loại bỏ lá cờ tiến quân của phe phiến loạn ra khỏi cờ của tiểu bang, cho thấy đòi hỏi sự thật lịch sử phải và đã bắt đầu được tôn trọng.
Khi nào tới phiên các “tượng đài nghìn tỷ” và việc bóp méo lịch sử của Cộng sản Việt Nam?
Tác giả
Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, di cư vào và lớn lên tại miền Nam từ 1954. Nguyên chủ nhiệm-chủ bút nhật báo Sóng Thần (Saigòn, 1971-75), bà là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các Con Tôi Đã Về (1978). Tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ từ 1975. Sau khi tốt nghiệp cử nhân và cao học ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế, Đại học Tiểu Bang California, Sacramento, bà làm phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif., từ 1991-93; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., làm copy editor rồi trưởng thư viện tin tức (chief news librarian) từ 1993 tới khi về hưu năm 2006. Bà hiện cư ngụ tại Northern California.