Một Mối Liên Hệ Với Miền Không Cùng

Võ An Khánh, Phòng khám quân y lưu động 9/1970, 1970. Bản quyền hình ảnh thuộc về nghệ sĩ và Sàn Art, Thành phố Hồ Chí Minh

Tháng 4 năm 2020

Hân thân mến,

Đã khoảng một năm kể từ khi em viết cho chị, và ba tháng kể từ khi mình gặp nhau ở Sài Gòn. Lúc đó, ông em nằm viện trong tình trạng nguy kịch, sát rìa vực, gần sang bờ bên kia. Hình ảnh thân xác lìa xa hành tinh, hay hành tinh lìa xa thân xác, đã liên tục xuất hiện trong đầu em. Đôi lúc em nhìn lên và tưởng tượng bầu trời dần dần hoá rỗng, mây mù vỡ vụn. Vào một buổi sáng như vậy, lúc dì lái xe đưa em đi ăn sáng về bằng xe máy, chúng em có dừng ở một tiệm ảnh gia đình. Dì đến lấy những tấm hình kỹ thuật số của ông em, để chuẩn bị cho bàn thờ tổ tiên. Một việc vặt có tính dự liệu. Dì cho ảnh vào túi và em đã nhìn thấy ông qua những nếp gập trên bề mặt túi nhựa. Tông màu da đã được thêm hồng, đường nét khuôn mặt được làm mềm. Trông ông ngây thơ và sáng trong. Một bóng ma nổi bật trên nền trắng, bức ảnh như tấm hộ chiếu của một thiên thần.

Thuy-Han Nguyen-Chi, ‘Between A Planet and A Wound’, 2019, hình ảnh sắp đặt, Atletika, Vilnius. Bản quyền hình ảnh thuộc về nghệ sĩ và Atletika; hình ảnh: Laurynas Skeisgiela

Khi ai đó qua đời, mỗi thành viên trong gia đình đều đeo một mảnh vải sô trắng. Em học được điều này từ mẹ, một thợ may lành nghề. Mẹ hẳn đã hiểu điều này qua bề mặt vải, mẹ có thể trực cảm lớp vải mỏng qua đầu ngón tay. Mẹ nhắc rằng đồ tang không sổ gấu, và em tưởng tượng cảnh một người chịu tang xé toạc tấm vải sô trong tay mình. Mọi người ngày xưa thường đeo khăn sô trên đầu suốt ba năm sau khi người thân mất. Trong ba năm chít khăn tang như vậy, người ta cũng chịu tang với lòng thành kính. Không có chuyện hôn nhau, không tán tỉnh nhau, không hành động suy đồi. Ngày nay, mẹ kể, người hiện đại quyết định rằng như vậy là quá lâu đối với bất cứ việc gì, kể cả việc tang tóc, vì vậy bây giờ người ta đốt khăn sô ngay trong ngày mất.

Có nhà chỉ đốt vải sô cho những ai có mặt ở đám tang, e ngại rằng nếu đốt thừa, thêm một linh hồn khác sẽ bước sang thế giới bên kia. Có nhà đốt cho mọi thành viên trong gia đình, bất kể họ đang ở nẻo nào trên trái đất. Mùa hè năm ngoái khi bà nội em mất, bố mẹ em dự đám tang ở Sài Gòn. Họ đốt một mảnh vải cho em. Họ gọi em về. Em được chuyển dịch đến bên họ, được hiện diện thông qua ngọn lửa.

Thuy-Han Nguyen-Chi, ‘Between A Planet and A Wound’, 2019, hình ảnh sắp đặt, Atletika, Vilnius. Bản quyền hình ảnh thuộc về nghệ sĩ và Atletika; hình ảnh: Laurynas Skeisgiela

Em kể cho chị chuyện này vì có điều gì trong tác phẩm của chị dường như đồng thanh tương ứng với những thực hành này. Theo truyền thống thờ cúng, ta chăm sóc tổ tiên bằng cách dọn dẹp bàn thờ, nấu ăn và thắp nhang cho họ, làm vậy là cách ta giữ cho họ sống. Ta nổi loạn kháng cự lại số phận đã an bài. Thay vì vẽ ra ranh giới chia cắt, ta cắt dán và sắp xếp song song những hiện diện và vắng mặt, sự sống và cái chết, ngày xưa và bây giờ. Trong Syncrisis chị quay trở lại những cảnh tượng ám ảnh trong võng mạc tập thể của chúng mình, như sự kiện Thích Quảng Đức tự thiêu; chị trộn lẫn đoạn ghi hình vụ tự thiêu với cảnh quay bố chị mô tả trải nghiệm chứng kiến trực tiếp cảnh tượng ấy, cùng một cảnh khác, lấy từ bộ phim Persona của Ingmar Bergman, khi nhân vật chính mang tên Elisabeth xem đoạn ghi hình trên tivi. Giống như thực hành cúng, hay như Trịnh T. Minh-hà gọi là “mối quan hệ với tính vô tận” khi hợp nhất các trạng huống khác nhau trong điện ảnh, với những hành vi này, chị khuấy tan sự chia cắt giữa không gian và thời gian.

Giống như cánh buồm mặt trời trong triển lãm của chị, cảm xúc của em về sức mạnh của hình ảnh cũng có những dao động. Lần cuối em viết cho chị, em đã hoài nghi, giờ em như được thổi về phía chúng. Bộ phim của chị phản chiếu trên cả hai phương diện, nối kết mối quan hệ giữa cánh buồm mặt trời và hình ảnh động, những đối tượng lần lượt chịu ảnh hưởng của hạt ánh sáng. Nhà vật lý sinh học Liên Xô Alexander Chizhevsky đã truy ra mối tương quan lịch sử giữa chu kỳ mặt trời và hành vi con người: hoạt động mặt trời tĩnh thì tương ứng với giai đoạn an bình, còn chiều hướng hoạt động gia tăng thì ứng với bất ổn xã hội. Luồng khí trong không gian triển lãm đã làm cánh buồm của chị di chuyển nhịp nhàng. Qua cách đọc của Chizhevsky, cánh buồm mô phỏng sinh lực tập thể của chúng ta.

Thuy-Han Nguyen-Chi, ‘Between A Planet and A Wound’, 2019, hình ảnh sắp đặt, Atletika, Vilnius. Bản quyền hình ảnh thuộc về nghệ sĩ và Atletika; hình ảnh: Laurynas Skeisgiela
Thùy-Hân Nguyễn-Chí, The In/Extinguishable Fire, 2019, hình ảnh từ phim. Bản quyền hình ảnh thuộc về nghệ sĩ

Chị đã chiếu bộ phim Persona lên tấm màn căng quanh giường bệnh đặt trong một khu rừng ở Việt Nam, dàn cảnh này có tham chiếu một bức ảnh của Võ An Khánh. Hoạt động du kích cho lực lượng Bắc Việt ở miền Nam Việt Nam, Võ An Khánh đã chụp nhiều ảnh thời chiến; một bức ảnh của ông chụp một trạm quân y dã chiến, nơi những nữ y tá hộ trợ binh sĩ trong một bệnh viện xây tạm dưới tấm màn trong đục và những lớp lá rừng. Trong quá trình làm tác phẩm Syncrisis, chị đã bị tai nạn xe hơi nặng. Lúc nằm trong bệnh viện, chị tự quay phim bản thân mình—con mắt chị, cơ thể chị. Có một đoạn trong The In/Extinguishable Fire quay cận cảnh vết thương đầu gối của chị. Chiếc đầu gối không còn rõ hình hài, mà hoà thành một khối ảo mờ. Trong email chị đã mô tả cảnh đó “như cuộc dao động giữa một hành tinh và một vết thương”. Em thích dòng đó. Tính chuyển giao trong lối diễn tả ấy giống bức ảnh của Võ An Khánh, một thắt nối duyên cớ giữa khí lực và chấn thương. Có lẽ đây cũng là một miêu tả hợp lý về cõi sống. Giữa một hành tinh và một vết thương.

Bập bùng thương mến,

Minh

Thùy-Hân Nguyễn-Chí, The In/Extinguishable Fire, 2019, hình ảnh từ phim. Bản quyền hình ảnh thuộc về nghệ sĩ
Thùy-Hân Nguyễn-Chí, The In/Extinguishable Fire, 2019, hình ảnh từ phim. Bản quyền hình ảnh thuộc về nghệ sĩ

A Situation Which Resists Completion (Một trạng huống kháng cự hoàn thành – tạm dịch) – một triển lãm của Technologies of Non/Self cùng sắp đặt video của Thuỳ-Hân Nguyễn-Chí và tác phẩm âm thanh của Gaile Griciute – đã diễn ra tại Atletika, từ ngày 11 tháng 12 năm 2019 đến ngày 10 tháng 1 năm 2020. Triển lãm được tài trợ bởi Hội đồng Văn hóa Lithuania, Thành phố Vilnius và LTMKS.

Bài viết nguyên bản bằng tiếng Anh đã đăng trên PASSE-AVANT, mời đọc tại đây.


Thùy-Hân Nguyễn-Chí là nghệ sĩ sống và làm việc tại Berlin và London. Thực hành của cô dị biến vào ra từ điêu khắc, sắp đặt, hình ảnh động và nghiên cứu liên ngành. Các tác phẩm của cô khám phá mường tượng tự do giữa làm-phim, lý thuyết phim, các học thuyết phê bình tị nạn và hậu thuộc địa, ký ức cá nhân/ký ức giả thay thế cũng như lịch sử cá nhân/lịch sử tập thể. Thùy-Hân học Mỹ thuật tại Städelschule và Phim từ Viện Nghệ thuật Chicago (SAIC). Hiện cô đang là nghiên cứu sinh về phim với CREAM, Đại học Westminster. Cô đã trưng bày và chiếu tác phẩm tại Atletika, Vilnius; Centro di Musica Contemporanea di Milano, Milan; Gene Siskel Film Center, Chicago; Haus, Vienna; Kunstverein Nürnberg, Nürnberg; Museum für Moderne Kunst, Frankfurt; Nottingham Contemporary, Nottingham; Portikus, Frankfurt; Sàn Art, Saigon; Site Galleries, Chicago, cùng nhiều địa điểm khác.

Minh Nguyễn là một cây viết và giám tuyển triển lãm và chương trình, hiện đang sống ở Chicago, IL, cùng Sài Gòn, Việt Nam. Cô hiện đang theo học tại Học viện nghệ thuật Chicago để lấy bằng thạc sĩ Lịch sử nghệ thuật hiện đại và đương đại. Cô đã tổ chức triển lãm tại Trung tâm văn hóa Chicago (sắp diễn ra), Bảo tàng Wing Luke, King Street Tation và SOIL Gallery, và hiện là Trợ lý giám tuyển tại Conversations at the Edge (CATE), một chuỗi chiếu phim, nói chuyện và trình diễn do các nghệ sĩ truyền thông mới tổ chức. Bài viết của cô đã xuất hiện trên ArtAsiaPacific, Art in America, Art Realistic và AQNB, cùng những nơi khác.

Nguyễn-Hoàng Quyên dịch, viết và giám tuyển nghệ thuật thị giác. Quyên tốt nghiệp Đại học Stanford, từng nhận Quỹ Dịch thuật PEN/Heim, là người chơi ở AJAR—một tạp chí-vườn xuất bản thơ, nhào bay giữa Hà Nội, Sài Gòn, New York và những quần đảo nọ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here