Trên Tháng Ngày Hờ Hững Phôi Phai

Tưởng nhớ ông Tô Văn Lai (1937-2022)–người kiến tạo Thuý Nga Paris By Night, đỉnh cao âm nhạc Việt tại hải ngoại.

Nếu vị giác của người xa xứ có thể khước từ những món ăn lạ lẫm, nghệ thuật thường vỗ vềnhững tâm hồn đắm đuối với hoài niệm. Thuý Nga Paris By Night là nghệ thuật của những hoài niệm đầy mê hoặc như thế. Là người sáng lập chương trình mang dấu ấn đặc sắc của nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đương đại tại hải ngoại, ông Tô Văn Lai không phải là một danh ca sáng chói, một nhà soạn nhạc lẫy lừng, hay một nghệ sĩ xuất chúng. Trong nghệ thuật, đơn giản ông là là sự cộng hưởng của tất cả những tài năng đó.

Khi rời bỏ một chốn thân quen để tìm đến  một nơi xa lạ, không có nghĩa là người đã đoạn tuyệt với dấu yêu xưa, mà đang gìn giữ những ký ức đẹp trong tâm hồn mình.

Trước khi rời Sài Gòn, ông Tô Văn Lai đã từng sống một cuộc đời phong lưu của một trí thức miền Nam Việt Nam. Ông dạy toán và triết học ở trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, và đắm chìm trong thế giới nghệ thuật phong phú, sôi nổi giữa lòng Sài Gòn, nơi tinh hoa hội tụ. Ông cho ra đời băng nhạc đơn ca của Thái Thanh, một trong những biểu tượng âm nhạc của phong trào tân nhạc Việt Nam theo trào lưu phương Tây. Với giọng ca vút cao thánh thót, Thái Thanh cuốn ông vào thế giới mê đắm của âm nhạc. Thái Thanh khiến người nghe ngây ngất với những bài dân ca Bắc bộ, những bản tình ca Phạm Duy, Phạm Đình Chương, và âm nhạc thính phòng phương Tây. Nhưng kỳ lạthay, ngay khi Tô Văn Lai bắt đầu sản xuất băng nhạc Thái Thanh đầu tiên, ông đã thất bại một cách ngoạn mục. “Tôi lỗ tơi bời,” Tô Văn Lai nhớ lại, “giới trí thức sành điệu ở Sài Gòn khá hà tiện.” Họlà những người dường như luôn rón rén so đo giữa nghệ thuật và tiền bạc. “Họ thèm khát những chương trình do tôi làm ra, nhưng lại rất hiếm khi bỏ tiền ra mua chúng.” Là một người am tường nghệ thuật, Tô Văn Lai sợ hãi sự tầm thường, đặc biệt là những thứ nghệ thuật rẻ tiền.

Tuy nhiên, “không giống như toán và khoa học với những lời giải chắc chắn, nghệ thuật khơi dậy muôn vàn cung bậc cảm xúc khác nhau,” Tô Văn Lai nói. Với thị hiếu đẳng cấp nằm ngoài tần sốcảm nhận của đông đảo quần chúng, những gì ông xem là uỷ mị, sướt mướt thì lại trở nên quyến rũ lạlùng với nhiều người khác. Băng nhạc thứ hai được ra đời ở Sài Gòn là những bản tình ca của Thanh Tuyền, một danh ca khác của dòng nhạc mới, nổi tiếng với các tình khúc nhạc vàng miền Nam, được vang lên trên khắp các chuyến xe khách từ thành thị đến nông thôn, từ miền quê ra thành phố, trôi vời vợi, miên man trên những con đường Sài Gòn. 

Trong hành trình đến Paris năm 1976, Tô Văn Lai mang theo trên chuyến bay đời mình một bộsưu tập những băng gốc master ghi âm những giọng ca tên tuổi với những ca khúc nổi tiếng – giai điệu dành cho người xa xứ. Tô Văn Lai đã sống sót qua nhiều năm tháng của sầu đau, tuyệt vọng nhờtâm hồn được nuôi dưỡng bởi âm nhạc. Ban ngày, ông mải mê với công việc của ông chủ một trạm xăng, thay dầu nhớt, bù loong, ốc vít cho ô tô. Và từng đêm, dưới vòm trời đầy sao của Paris, Tô Văn Lai và những người bạn đồng hành của mình lại cất lên tiếng hát để vơi đi nỗi cô đơn buồn tẻ. Viễn tượng về một Paris By Night đã được nhen nhóm kể từ ngày đó. Thế nhưng, khi Tô Văn Lai phát hành băng video ghi hình chương trình Paris By Night đầu tiên, một vài người quen lại tỏ ra hoài nghi về độ hấp dẫn của nó. Họ hỏi ông: “Ông nghĩ sao mà đem âm nhạc của Việt Nam sang thị trường phương Tây vậy? Khán giả ở đây, phần đông là người Việt di dân, đã sống phần lớn cuộc đời ở xứnày, tiếng Việt đã dần mai một, họ sẽ không tha thiết gì với sản phẩm âm nhạc của ông đâu.” Tô Văn Lai chẳng màng, ông vẫn tiếp tục thực hiện những dự án của mình. Và niềm tin bền bỉ của ông với những nỗi niềm thân thuộc, những da diết nhớ nhung về quê hương xứ sở của người Việt xa quê đã thôi thúc Tô Văn Lai trong những nỗ lực sáng tạo nghệ thuật của mình. “Chỉ khi va chạm với những người khác trong công việc và cuộc sống, con người ta mới biết trân quý và tìm về nguồn cội của mình,” ông kể lại khi nhớ về những người di dân khác đã đến như thế nào và bảo lãnh gia đình họ ra sao, rồi cộng đồng người Việt đông dần lên như thế nào và sự khao khát được nghe lại những giai điệu của hoài niệm ra sao, vì chỉ có những khúc tình ca ngày cũ mới xoa dịu được nỗi nhớ nhà, những buồn thương, sầu muộn.

“Những trí thức luôn tìm thấy ánh sáng trong bóng tối. Giữa nghịch cảnh, họ sẽ không bao giờchùn bước,” Tô Văn Lai hào hứng kể, nhớ lại chuyến thăm định mệnh của vợ chồng ông tại tư gia của nhạc sĩ nổi tiếng Anh Bằng—Giám đốc trung tâm ASIA nhân chuyến ghé thăm Little Saigon năm 1983. Đó là một buổi tối muộn khi họ đang ngồi ăn uống và trò chuyện với nhau thì điện thoại reo. Tô Văn Lai nghe giọng Anh Bằng vang lên sang sảng đầy phấn khích khi người ở đầu dây bên kia là nhà sách Alpha ở tiểu bang Virginia đang đặt hàng 500 băng cassettes do trung tâm ASIA sản xuất. “Thị trường ở đây hấp dẫn quá!” Ông Tô Văn Lai và vợ là bà Thuý Nga đều phấn khởi thốt lên, vì so với ở Châu Âu nơi cộng đồng người Việt còn thưa thớt, đại lý bán băng nhạc chỉ thỉnh thoảng đặt hàng 5 băng cassettes là cùng. Ấn tượng và khao khát được chinh phục một thị trường khán giả rộng lớn, hứa hẹn hơn đã thôi thúc Tô và gia đình rời Pháp để đến Mỹ.

Điều làm nên sức ảnh hưởng diệu kỳ của Paris By Night không chỉ là chương trình hấp dẫn mà là hai người dẫn chương trình huyền thoại. Từ những ngày đầu của Paris By Night giữa Kinh đô Ánh sáng, Tô Văn Lai đã mải miết kiếm tìm những người dẫn chương trình độc đáo, và ông đã mời một ông chủ cũ của một phòng trà nổi tiếng ở Sài Gòn, nơi chắp cánh cho những giọng ca để đời như LệThu, Khánh Ly. “Ông ấy làm hỏng cả chương trình ngay lần xuất hiện đầu tiên,” Ông Tô Văn Lainhớ lại, “vì dùng tiếng Việt không chuẩn xác, khiến tôi cảm thấy vô cùng ái ngại; nếu người Việt trong nước mà nghe được sẽ xem thường chúng tôi ở đây vì đánh mất ngôn ngữ của mình.” Rồi ông thay đổi người dẫn chương trình, hết người này đến người khác, mà không tìm được một người vừa hài hước, uyên bác, lại vừa duyên dáng, lôi cuốn như mong đợi của ông. Tô Văn Lai quyết định săn lùng tài năng như mơ ước của mình trong… những cửa hiệu bán sách. Tìm gặp chủ nhà sách Tú Quỳnh ở Paris, bà Phan Hoàng Yến, ông hỏi ngay: “Quyển sách nào bán chạy nhất ở đây vậy?” Bà Yến đưa cho ông một số quyển sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn và giải thích: “Gia đình ông này vượt biên bằng thuyền nhưng cả vợ và con đều chết trên biển, chỉ mình ổng sống sót, nên khi ông viết lại những câu chuyện bi thảm đó, đã chạm thấu đến trái tim của người đọc.” Ngay lập tức, Tô Văn Lai tìm đến tác giả Nguyễn Ngọc Ngạn, khi đó còn đang đi gõ cửa từng nhà để bán bảo hiểm, và mời ông về dẫn chương trình cho Paris By Night—và không lâu sau chúng ta có một huyền thoại Nguyễn Ngọc Ngạn với đài từ không thể độc đáo hơn. 

Trong ký ức của Tô Văn Lai, cuộc sống tha hương là những chuỗi ngày buồn tủi, nhất là trong những năm đầu rời xa Việt Nam. Khi màn đêm buông xuống thành phố Paris, hay trong suốt những mùa đông dài buốt giá, câu nói của một người bạn, nhà văn Duyên Anh vẫn vang lên trong tâm trí ông, “Thiệt tình mình chưa khi nào thích nghe đờn ca tài tử, vì nó cũ kĩ, bình dân, lại còn buồn thê thảm. Vậy mà khi xa quê, những giai điệu mộc mạc, trữ tình đó lại khiến lòng mình rưng rưng, xúc động đến lạ lùng.” Những lời ca điệu nhạc đó đã thấm đẫm vào mỗi cuộc đời, xoa dịu những tâm hồn viễn xứ cô đơn, giúp người tìm đến nhau và nâng niu hi vọng, để tạm quên đi những tháng ngày đang hờ hững phôi phai. “Đó là lý do Paris By Night ra đời: hướng về cộng đồng người Việt xa xứ.” Những băng ghi hình đầu tiên của Paris By Night da diết những những hoài niệm về  quê hương. Thểloại âm nhạc duy nhất của thời đó là cải lương với giai điệu buồn réo rắt, vừa như cứa vào tim những vết thương đau nhói, vừa như an ủi lòng người lúc hiu quạnh, chơi vơi.

Một lần nọ khi Tô Văn Lai đến thành phố Los Angeles để khám bệnh, một bác sĩ nữ hỏi vì sao trông sắc diện ông căng thẳng và mệt mỏi như thế, ông từ tốn đáp, “Bác sĩ không nhận ra tôi sao, tôi là người đang điều hành Paris By Night đây.” Chỉ với lời giới thiệu về mình ngắn gọn như vậy đã đủkhiến vị bác sĩ không giấu nổi sự trầm trồ ngưỡng mộ và quý trọng. Bà nói: “Các cộng đồng khác đều đã tạo dựng nên những quần thể của họ: người Nhật có phố Nhật, người Hoa có phố Hoa, nhưng người Việt không chỉ có Little Saigon mà còn có cả Paris By Night, một biểu tượng rực rỡ của văn hoá Việt mà chưa từng ai kiến tạo được. Ông thật quá tuyệt vời.” Hoá ra vị bác sĩ đó chỉ là một trong hàng triệu người hâm mộ đã tìm thấy ở Paris By Night một sự cứu rỗi cho những tâm hồn ngổn ngang, phiêu dạt. 

Người Việt tị nạn, dù đã cập bến bình an trên đất Mỹ, vẫn chưa thể nào bước qua quá khứ, vì đó là những hồi ức đau đớn. Khi vừa ra mắt vào năm 1986, Paris By Night số thứ 10 với chủ đề đặc biệt “Giã từ Sài Gòn” đã in dấu sâu đậm trong lòng khán giả. Chương trình mở màn với bài quốc ca của miền Nam Việt Nam, với những tiết tấu dồn dập, như lời hiệu triệu để người người xông pha, người người cùng nhau bước về phía trước. Ngay khi giai điệu vừa cất lên, cả khán phòng bỗng lặng đi, thổn thức; những trái tim đập dồn theo từng nhịp phách và hình ảnh: một ngôi làng sụp đổ tan hoang, một đứa bé nằm khóc bên xác mẹ. Và máu và hoa và cờ bay rợp trời. Một biển người. Một Việt Nam ngập tràn khói lửa chiến tranh. Khán giả bàng hoàng, những gương mặt giàn giụa nước mắt. Nhà hát chìm sâu vào im lặng.

Buổi trình diễn gây xúc động mãnh liệt đó đã sử dụng những thước phim tài liệu của cựu tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Trung — người đã mang theo cả lịch sử khi trốn chạy khỏi Sài Gòn. “Ông ấy đã đưa hết cho tôi, tất cả những thước phim về Sài Gòn trong và sau chiến tranh, và tôi đã dùng rất nhiều trong số đó để làm nền cho những phần trình diễn,” Tô Văn Lai say sưa mô tả về kỹ xảo của chương trình Thuý Nga đặc biệt “Giã từ Sài Gòn” — một chương trình tạo nên hiệu ứng mạnh đối với khán giả để rồi từ đó trong đời sống của họ không thể thiếu Thuý Nga. Và Thuý Nga ngày càng được đắp bồi và trở nênlớn mạnh nhờ vào ân tình của khán giả. “Giã từSài Gòn đã làm nên kỳ tích,” gương mặt ông Tô bỗng hân hoan bừng sáng khi ông kể lại chương trình Paris đã cuốn hút khán giả mạnh mẽ đến mức họ bỏ hẳn phim bộ Hồng Kông lúc bấy giờ đang làm mưa làm gió trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, làm tan vỡ biết bao gia đình những năm 1980. “Hồi đó ai cũng say mê  Thiên Đ Long KýThn điêu đi hiprồi Thiên Long Bát B Họ đắm chìm hết ngày này quá tháng khác trong những những loạt phim truyền hình dài tập đó đến nỗi quên hết nghĩa vụ gia đình, bỏ bê công việc, vợ chồng bỏ nhau… Nếu không có Paris By Night ra đời vào thời điểm đó, có lẽ không ai cưỡng lại nổi sức quyến rũ của phim bộ Hồng Kông, vì lúc đó  chưa có sản phẩm nghệ thuật nào bằng tiếng Việt và dành cho người Việt cả.”

Paris By Night không có gì bí ẩn. Có chăng đó chính là kiệt tác của một tập thể cháy hết mình với đam mê sáng tạo. Tô Văn Lai và con gái của mình đã thổi vào từng chương trình những khát vọng, sự mất mát, đớn đau và tình yêu mãi mãi với con người; những hình ảnh, thước phim được ghi lại bởi cả người Việt và người nước ngoài. Đội ngũ sản xuất chương trình của Paris By Night, với kỹthuật dàn dựng và công nghệ hàng đầu thế giới đều đến từ Hollywood. Những sản phẩm nghệ thuật của Paris By Night, do đó, luôn đẳng cấp và tráng lệ. Ngoài tầm vóc về công nghệ và kỹ xảo, Paris By Night còn bền bỉ chinh phục trái tim khán giả vì đặc biệt sở hữu hai người dẫn chương trình tuyệt đối lôi cuốn là Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên — cả hai đều là linh hồn của mỗi chương trình với cách dẫn chuyện quyến rũ, hài hước, và sâu sắc của họ.

Paris By Night là một cuộc trở về bằng nghệ thuật, là sự tái hiện những ký ức của biệt ly và sầu muộn mà người ra đi, qua nhiều năm tháng, vẫn chưa thể nguôi quên. Một Sài Gòn trong tâm tưởng với những lời ước hẹn chưa thành, những hi vọng vẫn còn ấm ủ: “Chúng ta đi mang theo quê hương,” “Cây đa bến cũ,” “Giọt nước mắt cho Việt Nam,” “Mùa Xuân nào ta về?” Những giai điệu thân thuộc được viết bởi những nhạc sĩ tên tuổi như Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên … qua những giọng hát huyền thoại của Khánh Ly, Thái Thanh, Thanh Tuyền… đã xoa dịu những muộn phiền, nâng cánh những giấc mơ, và dìu người nghe vượt qua những tháng ngày tha phương buồn tẻ. Âm nhạc dành cho những tâm hồn đa cảm.

Paris By Night đã có một ​​thời kỳ hoàng kim rực rỡ của mình với chất lượng nội dung đạt đến đỉnh cao của sự tinh tế, và những chuyến lưu diễn trên khắp nước Mỹ, cả ở Châu Âu và Úc. Được khán giả Việt Nam trên khắp thế giới tôn vinh, ông Tô Văn Lai và gia đình nhận được rất nhiều sự tài trợ từ các doanh nghiệp ở Mỹ và Việt Nam để bù đắp cho việc đầu tư chương trình đang ngày càng tốn kém hơn trước. Tuy nhiên, “tôi không lạc quan lắm về tương lai,” Tô Văn Lai ngập ngừng chia sẻvà nhớ lại chuyến đi đến Việt Nam, nơi ông phát hiện đĩa DVD cũ và mới của Thuý Nga Paris By Night bị làm giả bán tràn lan trên thị trường. Ông kể lại rằng một trong những chủ cửa hàng DVD đã chở ông đi khắp Sài Gòn trên chiếc BMW bóng loáng và hào hứng khoe rằng mỗi ngày cô ấy có thểbán được 5.000 bản video Paris By Night lậu. Ông Tô Văn Lai làm sao có thể vững tin dồn hết tâm trí vào Paris By Night khi khán giả không cưỡng lại nổi sức cám dỗ của những băng video Paris By Night vi phạm bản quyền như thế? Nhưng buồn thay, người ta vẫn có xu hướng thẩm định nghệ thuật không phải qua giá trị thẩm mỹ mà bằng chính ví tiền của họ, ngay cả khi nghệ thuật có thể khiến trái tim muộn phiền của họ cất lên tiếng hát.


Võ Hương Quỳnh (Quynh H. Vo) tốt nghiệp tiến sĩ ngành nghiên cứu văn học (English) tại Đại học Hawaiʻi. Hiện cô là giáo sư giảng dạy văn học và văn hóa Mỹ gốc Á tại Đại học Mỹ (American University) ở Washington, D.C. Ngoài những nghiên cứu học thuật xuất bản trên các ấn phẩm chuyên ngành, các bài viết của cô đã xuất hiện trên Los Angeles Review of Books, Saigoneer, Journal of Vietnamese Studies, Arttimes, Da Mau, diaCRITICS, và một số diễn đàn khác.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here