Ban đầu tôi định viết một câu chuyện chàng nàng. Kiểu chuyện đem gá tạm vào đâu cũng được, như một gói xôi lạc, buổi sáng tỉnh dậy không biết ăn gì thì tống táng đại vào bụng. Nhưng càng viết thì hình như nó càng không giống một câu chuyện chàng nàng nữa dù cũng có chàng và cũng có nàng. Biên tập viên bạn tôi người kiếm tiền nuôi bản ngã văn chương bằng cách in những cuốn sách cho các doanh nhân truyền cảm hứng, những tác giả best-seller đích thực trong một nền xuất bản tòng teo nhờ in cả chục vạn bản hướng dẫn sử dụng Excel, những nhà thơ cần một tập thơ bắt đầu bằng đại để “Đội kết tình cảm chứa chan, Dựng xây phường phố khang trang mạnh giàu”để dúi vào tay bạn nhậu còn bạn nhậu giả vờ bỏ quên ở quán nhậu, sau khi đọc thử truyện tôi viết, liền kết luận rằng đó là thứ văn chương chính trị.
Vớ vẩn, tôi luôn có đủ tự trọng để không bám víu vào văn chương chính trị. Tôi bảo vị biên tập viên chứng minh cho tôi nó chính trị chỗ nào. Vị biên tập viên bảo tôi chứng minh xem nó không chính trị chỗ nào. Tôi bảo theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì mọi nghi can đều vô tội cho đến khi được chứng minh là mình có tội. Vị biên tập viên bảo tôi chỉ biết các nguyên tắc mà cóc hiểu gì về hành pháp. Vị biên tập viên hỏi tôi đã đọc Kafka chưa. Ở phương diện này, tôi phải thừa nhận rằng mình hơi thiếu tự trọng khi đã đọc Kafka rồi mà vẫn còn ngồi đây giễu võ giương oai cùng cây bút.
Vậy hãy coi đây là một phiên toà văn chương nơi tôi vô tình bị khép cái tội lớn nhất mà một nhà văn ở xứ tôi mắc phải là viết ra kiểu văn chương không chịu yên phận làm văn chương, làm nhà văn được xoa đầu không thích lại thích bị cốc đầu. Tôi bị vị biên tập viên tuyên án mà không qua xét xử và giờ thì tôi bị chính tôi nhốt trong một căn phòng trống với duy một cái bàn cùng sấp giấy, cố gắng lý luận rằng truyện mình sáng tác chỉ là một nồi lẩu thập cẩm những tác phẩm tình buồn ba xu, một phiên bản Chạng Vạng mà trong đó ma cà rồng không hút máu mà hút chữ.
Nhân vật đầu tiên của tôi: nàng. Nàng có lẽ là tôi, dù có thêm một cái nốt ruồi nhỏ ở trên chót mũi, lỗ chân lông nhỏ hơn một chút thay vì nở ra như hoa ăn thịt. Tôi để cho nàng có làn da thường thay vì da dầu giống tôi, bởi để cho nhân vật của mình da dầu sẽ gây ra nhiều tình huống lôi thôi rắc rối, chẳng hạn nếu nàng bị tạm giam, nàng sẽ phải lo lắng vì làn da bóng nhẫy như dầu Simply trên mặt mình, rồi thi thoảng nàng sẽ phải đưa tay lên mặt nặn mụn và cứ năm phút lại phải soi gương một lần để xem cồi mụn đã trồi ra được bao nhiêu milimet rồi và như thế thì nàng sẽ khó lòng có suy nghĩ chiêm nghiệm gì về nhân tình thế thái, vâng, tôi đảm bảo với bạn rằng phần lớn các triết gia trên đời đều có làn da đẹp, nếu không họ cũng chẳng hơi đâu ngồi nghĩ về thượng đế thiên đàng vũ trụ hiện sinh. Nàng cũng là một nhà văn, như tôi, và cũng như tôi, là một thành viên của Đội Văn Chương.
Đội Văn Chương là một Tổ Chức sẽ còn xuất hiện trong câu chuyện này nên tốt hơn là tôi nên giải thích thêm một chút. Đó nhìn chung là một Tổ Chức tốt đời đẹp đạo cổ vũ khuyến khích mọi thứ từ chân thiện mỹ đến bảo vệ môi trường, lòng ái quốc, lao động là vinh quang, tinh thần bình đẳng bác ái, tình cảm gia đình, khát vọng xây dựng xã hội văn minh tươi đẹp, chỉ ngoại trừ đúng một thứ là văn chương. Còn nhân vật chàng vì chưa xuất hiện nên tôi sẽ giữ anh ta lại một lát, hồi sau sẽ rõ.
Nàng là một nhà văn, như tôi, nhưng nổi tiếng hơn tôi nhiều. Tôi mường tượng ra một nền xuất bản lý tưởng nơi sách của nàng mỗi cuốn bán ngót nghét ba vạn bạn, nàng sống tốt mà không cần cày cuốc thêm một công việc tay trái nào đó như viết quảng cáo cho một nhà hàng Ấn Độ mới tòi ra trên phố Lý Quốc Sư hay một hãng dầu nhớt từng khăng khăng chối bỏ sự tồn tại của biến đổi khí hậu giờ bỗng lật mặt muốn tẩy xanh thương hiệu. Được như thế thì còn gì bằng, thực tế thì sách của tôi chỉ bán được ngàn bản, ấy là đã tính cả chục cuốn nhà xuất bản tặng cho tôi và chục cuốn tôi bắt bạn bè thân mua ủng hộ. Kiếp trước hẳn tôi đã đắc tội gớm ghê với ai đó hay đi tạo nghiệp dữ dội lắm nên kiếp này tôi mới bị đày vào phận nhà văn. Nàng tuyệt không nghĩ thế. Mỗi buổi tối về nhau, nàng vừa đắp mặt nạ đất sét tro núi lửa đảo Jeju mà nàng săn khuyến mãi mua một tặng một trên Shopee, vừa thẩm nhủ mình đã sống một ngày hạnh phúc được trọn vẹn là mình, được viết, được nghĩ, được vùi mình trong những suy tư về việc chứng chromesthesia đã khiến Marcel Proust viết văn như cầu vồng thế nào, rồi nàng sẽ lên giường, mở audio đúng chương cô hầu gái Tình Văn sắp chết, cởi cái áo lót ra đem đổi lấy cái áo khoác của cậu chủ Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng, lúc nào cũng là cái chương ấy, và thiếp đi.
Đến đây thì câu chuyện của tôi chắc chắn vẫn là một câu chuyện bình thường không gây mếch lòng ai, nhưng đoạn sau thì quả là có chút nhạy cảm. Một ngày nọ, nàng viết đơn xin rời khỏi Tổ Chức. Nếu bạn là một nhà văn mà ngay từ đầu đã không bén mảng lập lờ gì với Tổ Chức thì cũng chẳng sao, nhưng đang thuộc về Tổ Chức mà đòi rút lui thì lằng nhằng. Cũng chẳng phải người ta tiếc gì mấy chục ngàn hội phí mà nàng đóng hằng năm, hay là người ta thiếu thành viên, thậm chí bớt một mống lại tốt, nhất là trong thời buổi ngân sách nhà nước ngày càng bóp mồm bóp miệng, các loại hội hè chè thiu chịu cảnh ê chề liên tục bị chất vấn có đóng góp gì đâu mà được bao cấp, tiền thuế nhân dân đóng lại đem chia cho mấy tay thơ phú rỗi hơi là sao. Thật ra nếu nàng là một người đã toan về già thì chắc cũng chẳng điều tiếng gì, nhưng khổ nỗi nàng còn trẻ, lại nằm trong diện được cất nhắc, người ta ngầm kỳ vọng rằng những cây bút như nàng sẽ thay đổi cái nhìn về Tổ Chức như một tập thể những con người với răng miệng lởm chởm kiểu Dracula. Văn nàng chưa chắc hay, nhưng răng nàng đẹp.
Tại sao nàng lại từ bỏ Tổ Chức? Nếu nàng là tôi, nàng sẽ từ bỏ Tổ Chức sau khi nhận ra nàng lạc bầy. Nàng chỉ là một con khỉ đuôi lợn lạc vào một bầy khỉ đầu chó, cố hoà nhập cách mấy thì đến cùng vẫn chỉ là một sinh vật ngoại lai, dù cùng thuộc một họ chữ nghĩa nhưng những gì chúng mưu cầu lại khác nhau. Khỉ đuôi lợn chỉ kiếm tìm hạt và quả. Nhưng khỉ đầu chó săn cả côn trùng và những con vật xấu số lọt vào tầm mắt. Cách hình dung ấy không hoàn toàn chính xác, nhưng đại loại nàng và họ thuộc về những tập khác nhau với điểm giao duy nhất là bề mặt ngôn ngữ. Nàng không tìm thấy ý nghĩa của việc bên dưới tên mình thi thoảng sẽ được chèm vào một cụm “thành viên Đội Văn Chương” để gia cố cho vẻ ngoài non nớt của nàng thêm phần đáng tin cậy, như thể nếu không có chú thích ấy thì nàng tan biến và thứ nàng viết chỉ là bã kẹo cao su Big Babol. Nhưng quan trọng hơn là nàng không muốn bước vào căn biệt thự nơi Tổ Chức đóng trụ sở, nàng không muốn bước dọc theo hai bên hành lang chất đầy sách đang bắt đầu ung lên như thể chúng là một bầy bọ hung béo mầm nhờ rỉa thịt những linh hồn bị nhốt bên trong, nàng không muốn bước vào cái hội trường nơi hằng tháng người ta tổ chức những kỳ cuộc vờ như họ cũng quan tâm đến văn chương, những buổi như thế với nàng cũng tẻ nhạt như ăn phải một bát bún riêu cua mà phần riêu cua thực chất là đậu phụ. Không phải nàng có ân oán tư thù với bất cứ một con người cụ thể nào, nàng có cảm tình với gần như từng người trong số họ, một số người là vì thứ họ viết, một số người là vì thứ họ (may mà) không viết, nhưng khi cộng gộp tất cả những người đó thành một hội thì nàng không sao thích nổi họ. Một tập thể là sự tiêu trừ những đường nét, như cộng tất cả các số dương trên đời ta lại được một số vô hạn, và ta chỉ còn nhớ về tập thể ấy như một mớ bùng nhùng.
Nhưng vì nàng không hẳn là tôi nên nàng đã bỏ Tổ Chức đơn giản vì nàng ghét việc mỗi tuần đều thấy một tờ tập san của Tổ Chức được nhét vào ngưỡng cửa. Việc có một tờ tập san bị nhét vào ngưỡng cửa thì không đáng ghét, việc đọc tờ tập san cũng không đáng ghét, vì cơ bản nàng đâu bao giờ mở ra đọc trang nào, nhưng việc đáng ghét là nàng phải tìm chỗ cất những tờ tập san ấy. Nàng không biết cất chúng ở đâu trong căn nhà nhỏ xinh tông màu vỏ sò của mình mà nàng đã sắp xếp theo trường phái tối giản học được từ instagram. Những tờ báo mỏng dày hai chục tờ nhưng theo thời gian, chúng chất lên và nàng cảm tưởng chúng đang phình tướng ra choán lấy không gian của nàng, và chẳng mấy chốc chúng sẽ cướp chỗ của nàng, như trong mấy bộ phim quỷ nhập của Thái Lan. Con quỷ văn nghệ ấy sẽ dần đẩy nàng ra khỏi nơi nàng thuộc về và trở thành chủ nhân ông của nơi đó, trong khi chẳng có vị pháp sư trừ tà nào giúp được nàng. Chỉ thế thôi mà nàng muốn rời khỏi Tổ Chức.
Tất nhiên không ai tin như thế, và vì cần có một cái cớ cho nàng gặp chàng nên tôi đã để cho nàng, tình cờ vào khoảng thời gian ấy, đang nhen nhóm xây dựng một nhóm văn chương mới mang tên Kem Chống Nắng Văn Chương, với tuyên ngôn tạo ra một màng lọc ngăn lối viết phầm phập của vài nhà văn cha chú mà với nàng là đang làm láo hoá làn da ngôn từ. Tình cờ, bởi không hẳn vì muốn lập nhóm độc lập mà nàng khăn gói ra đi, giá như nhà nàng rộng hơn một chút thì nàng cũng sẽ tham gia song song hai hội ấy, nhưng nhà nàng chỉ có thế thôi và không nở ra thêm được nữa, chỉ có góc duy nhất đặt các ấn phẩm tạp chí văn chương chứ nàng không thể ném chúng lên giường hay đem phơi ngoài ban công, nên làm thế nào được, nàng phải chấp nhận buông bỏ một trong hai. Giá như nhà nàng rộng hơn một chút thì nàng đã không gặp chàng. Có lẽ vị biên tập viên ngờ ngợ với tình tiết này chăng? Nhưng tôi cam đoan rằng việc cho nàng rời Đội Văn Chương chẳng phải là một tuyên ngôn gây hấn nào với chủ trương văn nghệ chính phủ mà chỉ đơn thuần là tôi cần một lý do cho hai nhân vật của tôi gặp mặt. Xin hãy nhớ: đây là chuyện chàng nàng.
Ngay vài lần nhẵn mặt nhau trong những buổi thảo luận văn chương mà nàng khởi xướng, chàng đã bảo với nàng rằng từ nay chàng sẽ đi theo nàng. Chi tiết này không được, vị biên tập viên nói. Tại sao? Trong mắt tôi thì đó chỉ là một lời tỏ tình. Tôi nghĩ nếu Lạc Long Quân mà có thật thì ngài cũng sẽ nói một điều tương tự với Âu Cơ: từ nay ta sẽ đi theo em, dù ta là một con rồng sống dưới biển còn em là một tiên cô sống trên trời. Tình huống tương tự đang xảy ra, thay “một con rồng sống dưới biển” thành “một thanh tra an ninh văn hoá” còn “một tiên cô sống trên trời” là “một nhà văn lâng lâng trong nhóm Kem Chống Nắng Văn Chương”. Vị biên tập viên kia quá nhạy cảm về mặt từ ngữ trong khi tôi là người tin vào Plato mà Plato thì tin rằng vỏ từ ngữ có một mối quan hệ lỏng lẻo với ý nghĩa mà nó đại diện. Những từ như “thanh tra văn hoá”, “Kem Chống Nắng Văn Chương”… chỉ nên được nhìn như những cái vỏ ốc mà con ốc đã chạy trốn từ đời nảo đời nào.
Một cách logich thì ban ngành thường phân công nữ thanh tra đi theo nữ tình nghi, nam thanh tra đi theo nam tình nghi, để tránh những lời vu khống không cần thiết. Nhưng để bạn đọc dễ hình dung thì tôi gọi nhân vật an ninh văn hoá là chàng. Chàng cũng chỉ là vỏ từ, người này hoàn toàn có thể là một người phụ nữ, chẳng qua nếu gọi cả hai nhân vật của mình là nàng thì đến chính tôi cũng rối loạn lên mất. Vả lại một câu chuyện mới có thế đã bị dán nhãn đả kích chính trị, nếu thêm yếu tố LGBTQ+ vào nữa thì số phận của nó còn truân chuyên thế nào trong nền xuất bản xứ tôi. Vậy ta cứ giao kèo với nhau, tôi gọi người này là chàng, còn bạn muốn hiểu đó là nam hay nữ cũng tuỳ.
Đến đây, người đọc liền đinh ninh chàng sẽ gây khó dễ cho nàng, nhưng có hai lý do để tôi không làm như vậy. Lý do thứ nhất là tôi biết tỏng cây kiếm mù kiểm duyệt, cứ thế khua khoắng lung tung chém trúng cái gì thì trúng như trò chém hoa quả mà mẹ tôi thường chơi hồi trước, tôi thì không muốn tỉ thí với một kiếm khách với môn công phu chém bừa vì như vậy hên xui lắm, nên tôi không dại gì giăng ra một tình tiết nồng nặc tả khuynh như vậy. Nói cho cùng, tôi viết không chỉ để cho vui, để cất trong ngăn kéo nửa thế kỷ sau khi tôi đã thành người thiên cổ thì con cháu tôi (lạy trời, đừng tồn tại những thành phần đó) trong lúc phun diệt mối bỗng moi ra được từ dưới đáy hòm những bản thảo chôn vùi và bắt đầu truyền tụng nhau cụ mày sinh bất phùng thời. Tôi viết là để được in, văn chương không được in chỉ là một giấc mơ bị xử bắn. Lý do thứ hai quan trọng hơn, là vì nếu có người cho rằng chàng phải gây khó dễ cho nàng vì chàng là một an ninh văn hoá, thì đơn giản là người đó hổng kiến thức trầm trọng về an ninh văn hoá xứ tôi và bị tung hoả mù bởi đài địch.
An ninh văn hoá là một công việc nhàn, lương cao không thì tôi không biết, có phải công việc trong mơ hay không thì tôi không biết, nhưng nhàn. Những đối tượng mà họ phải giám sát không nguy hiểm như trùm buôn ma tuý, thậm chí nếu may mắn họ sẽ được đi theo những kẻ tương đối ngu ngơ với thế giới quanh mình, kiểu như những tiểu thuyết gia chém đinh chặt sắt trên sách vở nhưng ra đời chỉ cúp mình như con rùa rụt cổ. An ninh văn hoá chỉ cần lẽo đẽo đi theo những người này và về viết lại báo cáo người đó đã đi đâu (đến một cuộc thảo luận về văn chương giải thuộc địa), gặp ai (gặp những nhà văn quàng xiên và họ nhắc đến những tác giả bị cấm), làm gì (nói chuyện xong họ ngồi quán bia Thắng Béo nói tiếp về những ổ sách lậu không đáp ứng xạ trị pháp luật). Mà rồi có ai thèm đọc những tiểu thuyết gia ấy đâu, sách họ bán ế hơn bất động sản thời kỳ đóng băng, và cũng chẳng có giá trị bằng một phần một ngàn bất động sản, với họ, chỉ cần đi theo là đủ, chẳng cần phải làm gì họ cả mà cứ để họ tự sinh tự diệt. Ở khía cạnh đó, an ninh văn hoá và nhà văn là những công việc rất giống nhau: vô ích và hoài công, quá đông người làm và quá ít việc để làm. Bạn cứ nghĩ mà xem, đề tài văn chương bốn ngàn năm nay quanh đi quẩn lại có thế thôi nhưng biết bao người quần thảo trên cánh đồng văn chương đến xói mòn, ai ai cũng nhảy vào văn chương nghĩ rằng còn một Chén Thánh nào đó để kiếm tìm và rồi khi bước ra đều thân tàn ma dại mà Chén Thánh vẫn nhởn nhơ đào thoát. Với nghề an ninh văn hoá cũng thế, giết ai ra nhiều tâm trí hóc hiểm gây nguy hại đến thế để mà theo dõi, cho nên để đủ KPI, họ phải vơ bèo vạt tẹp cả những nhà văn với đam mê lớn nhất là dưỡng da, như nàng, vào diện tình nghi.
Cũng được, nàng mới chia tay (thêm) một người và không có vấn đề gì khi có chàng kè kè theo mình, dù sao nàng cũng chưa hoàn toàn hồi phục từ chấn thương tình ái và tinder thì nàng chỉ cài vào điện thoại ai hỏi thì vờ như mình có một đời sống yêu đương sống động. Chàng hộ tống nàng đến mọi cuộc gặp gỡ độc giả và mọi buổi toạ đàm thảo luận. Khi nàng tỉnh dậy thì chàng đã đứng trước cổng đợi, và buổi tối chàng chỉ ra về khi nàng đã yên vị trong nhà lên giường đắp mặt nạ đất sét núi lửa đảo Jeju. Mới đầu nàng chưa quen sự quan tâm khôn xiết ấy, bởi nàng từng qua năm mối tình nhưng tình nào cũng là tình xa, vì thế nàng cảm động khi một lần anh giao hàng đến sớm trong khi nàng còn đang ngâm mình trong bồn nước, may sao chàng đã đứng sẵn ở dưới và cầm giúp nàng gói hàng khi thì là chiếc máy rửa mặt Foreo, khi thì là Buổi hoàng hôn của những thần tượng của Nietzsche, khi thì là thùng thức ăn cho mèo, cát đi ỉa cho mèo, máy khử mùi mèo, chổi quét lông mèo, tiện thể, nàng có một con mèo lông ngắn tai cụp Scotland. Sự cúc cung tận tuỵ ấy là thứ nàng chưa từng được trải nghiệm trong tình yêu, những người tình của nàng trước nay đều có cũng như không, trong khi chàng là người đã đỡ nàng dậy khi nàng tự lao xe máy vào ổ gà ngã nhào mà chẳng có tác động vật lý nào, nàng thi thoảng vẫn hậu đậu như thế. Rồi một ngày nọ, nàng mời chàng vào nhà ăn bún nghiêu chua nàng nấu.
Tôi đã bảo rồi, đó thuần tuý là một câu chuyện chàng nàng. Một chút Roman Holiday, một chút It happened one night, một chút Before Sunrise, một chút Ngôi nhà hạnh phúc, một chút Hạ cánh nơi anh, một chút Bỗng dưng muốn khóc, một chút Chí Phèo. Bát bún nghiêu chua nàng nấu tuy hơi thiếu chua nhưng nghiêu nàng mua thì tươi giòn tanh tách trong miệng. Con mèo đuôi cụp mà nàng gọi đơn giản là Miu quấn quýt nhảy lên người chàng ngay khi chàng vừa ngồi vào bàn ăn, thậm chí không chịu rời đi chừng nào chàng không đút cho nó một miếng nghiêu mà nó sẽ nhè ra ngay tắp lự. Chàng và nàng nói đủ thứ chuyện về văn chương và phim ảnh, chủ yếu là nàng nói và chàng nghe, cuối cùng thì nàng cho chàng xem Trùng Khánh Sâm Lâm bộ phim mà nàng bảo luôn bắt mọi người tình trước đây cùng xem với mình, chàng không ngờ phim hay và chàng cũng thích cô gái tóc ngắn lẻn vào nhà người trong mộng để dọn dẹp cho người đó, chàng tự hỏi có lúc nào đó chàng sẽ lẻn vào nhà nàng và dọn giường cho nàng như thế chăng. Nàng còn đưa cho chàng một lọ kem chống nắng bảo rằng sáng ngày mai chàng đến thì nhớ bôi kem chống nắng SPF 50 PA++++ vì trên má chàng nàng đã thấy vài vết nám rồi và chàng mới chừng này tuổi đã có nám thì thật là nguy. Nhưng chàng đã không rời đi. Như mọi câu chuyện chàng nàng phải thế.
Một câu chuyện tình như vậy mà bị dán nhãn gây hấn thì vô lý quá, tôi nói. Đoạn đấy cho qua, nhưng đoạn sau cấn lắm, vị biên tập viên cau có trước những bao biện dông dài của tôi. Đến tận giờ này phút này khi viết những dòng này, tôi vẫn chưa luận ra câu chuyện của mình cấn chỗ nào, chỉ là một ngày kia chàng biến mất mà không báo trước. Sáng hôm ấy lại có người giao hàng đến giao đồ cho nàng (lần này là một lọ nến thơm mùi mưa trong rừng sâu ), nhưng không ai nhận đồ thay cho nàng nữa. Có lẽ chàng nghỉ phép, nàng thầm nhủ, một an ninh văn hoá thì cũng có ngày phải xin nghỉ phép. Nhưng chàng không nghỉ phép, một tháng sau nàng sẽ nhận ra điều đó vì suốt một tháng ấy chàng không còn đến nhà nàng nữa, cho đến khi nàng nhận lời tham gia một hội thảo về tính jazz trong thơ lục bát và thấy sự xuất hiện của chàng, có điều, chàng không tới đây vì nàng, mà vì một người khác. Nàng đã hết có-vẻ-nguy-hiểm và đã bị loại khỏi danh sách tình nghi, nhóm Kem Chống Nắng Văn Chương của nàng nói chung cũng chỉ như một lọ thực phẩm chức năng vừa đủ để gãi ngứa chứ không thể dùng thay thuốc chữa bệnh, và chàng đã được thuyên chuyển công tác sang một nữ văn sĩ khác.
Chàng không thể cả đời đi theo nàng được trong khi nàng chỉ là kẻ vô hại như một ai đó chạy giữa đường và bất thình lình đấm một người xa lạ bằng ổ bánh mì, chàng đã được thăng chức và nhiệm vụ của chàng bây giờ là những ca phức tạp hơn, nàng chỉ là một bàn mở đầu trong trò chơi điện tử mà nay chàng đã mở khoá để tiến lên những nấc thang khác trong sự nghiệp và đã đến lúc hai người chia tay (đoạn này, tôi thấy giống La La Land, câu chuyện về đôi tình nhân dần xa cách nhau vì bận phấn đấu cho các mục tiêu khác trong công việc, chẳng nhẽ bạn không thấy thế ư?). Nàng không tin được rằng chàng đã có một mối quan tâm khác, nữ văn sĩ ấy đã làm gì để được xếp vào hạng nguy hiểm hơn nàng?; cô ta cũng mở một nhóm văn đàn ư hay cô ta còn ở trong một ngôi nhà chật hơn nhà nàng nên không có chỗ để đựng tập san Tổ Chức?; liệu chàng có làm với cô ta tất cả những gì chàng từng làm với nàng hay chăng?; liệu cô ta gây phiền phức hơn cho xã hội chăng? (hỡi ôi, đoạn này thật giống một câu hát tình ơi là tình của ABBA: nói cho em biết cô ấy có hôn anh theo cách em vẫn hôn anh?, chỉ cần thay từ “hôn” thành “gây phiền phức”).
Tôi đã nói rồi, toàn bộ câu chuyện này là một chuyện chàng nàng với công thức quen thuộc mà bạn có thể tìm thấy ngay chương đầu tiên của những cuốn sách như Cẩm nang xây dựng cốt truyện cho người mới bắt đầu. Chẳng có gì ý từ gì sâu xa được cài cắm, chẳng có nụ cười mỉa nào nhếch lên đằng sau, chẳng có cái móng vuốt nào định cứa vào trật tự hay vào bất cứ cái gì, trừ móng vuốt của một con mèo tai cụp ham ăn, cái móng vuốt cứa vào đùi nàng, người đương âu sầu đêm đó, hòng giục nàng xúc cho nó một muỗng pate vào đĩa. Nàng xúc cho nó hẳn hai muỗng, và lần đầu tiên trong vòng năm năm qua, nàng đi ngủ mà quên mất phải đắp mặt nạ trước khi lên giường, cũng như quên khuấy thói quen nghe đoạn Tình Văn đổi áo cùng Bảo Ngọc. Nếu lúc ấy nàng cũng như tôi, ngồi nghe đoạn đó, thì nàng sẽ nhận ra hình như nàng cũng giống với Tình Văn, dù có nổi trội đến đâu trong đám nha hoàn thì cũng vẫn chỉ là một con nha hoàn, mãi mãi không xứng với cậu chủ và sẽ bị bỏ rơi ngay khi không còn giá trị.
Nhưng nếu nàng là tôi, nàng cũng sẽ như cô nha hoàn đó, chấp nhận rằng cuộc tình đã đoạn. Có điều, nàng đâu phải là tôi, nên nàng, thay vì quên phắt chàng đi để an phận với văn chương. Tôi đã nghĩ đến những trường thiên tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa khi sáng tác tới đoạn này, với những nữ cao thủ dám yêu dám hận sẵn sàng náo loạn lễ đường đám cưới, sẵn sàng khiêu khích bất cứ ai, kể cả phải chịu một chưởng độc địa suýt mất mạng, miễn sao đưa được chú rể đi theo mình. Những tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa lại là sách gối đầu giường bao thế hệ ở xứ tôi, chưa có thời nào mà chúng bị cấm đoán tiêu huỷ, vậy thì làm sao quy kết truyện của tôi là văn chương kích động cho được? Nhân vật của tôi, nàng chẳng làm gì sai, điều duy nhất nàng làm là đem băng rôn biểu ngữ ra giữa trung tâm thành phố để tham gia một cuộc diễu-hành-không-đăng-ký, nhưng chớ có nhầm, những kẻ khác diễu hành còn nàng thì không, nàng thực lòng chẳng quan tâm hôm đó họ diễu hành vì cái gì, diễu-hành-không-đăng-ký là một thứ thoắt ẩn thoắt hiện như những bóng ma trong các truyền thuyết đô thị của xứ sở nàng, ai cũng từng một lần nghe về nó nhưng phần lớn chưa bao giờ nhìn thấy nó, nó chỉ tồn tại như một ông Ba Bị hay Ngáo Ộp mà thôi, nàng chỉ đơn giản là nhập vào nhúm người đó, với nàng đây là một cuộc trình diễn không khác gì một cuộc chạy khoả thân vì môi trường, nàng chỉ mượn cuộc diễu-hành-không-đăng-ký ấy như một sân khấu cho mình toả sáng. Nàng chỉ muốn một lần giả dạng làm người gây rối. Nàng chỉ là một người tình tuyệt vọng khoa chân múa tay để người tình nhìn thấy. Nàng đã nghĩ về cô con gái út của Victor Hugo, Adèle H., cô gái mắc chứng cuồng ái nhưng căn bệnh tâm thần phân liệt quái đản khiến cô tự hư cấu hoá đời mình thành một vở bi kịch lớn lao, và áng hư cấu ấy đáng ra còn kỳ thú gấp nhiều lần những áng hư cấu của người cha vĩ đại, và những huyễn tưởng của cô, cao quý hơn cha cô gấp ngàn lần, chỉ nhằm để cướp lại một thể xác đã không còn thuộc về mình nữa.
Nhân vật của tôi, tôi để cho nàng bị bắt rồi nhanh chóng được thả ra sau cuộc thẩm vấn, nàng nằng nặc xin những người thẩm vấn đưa nàng vào danh sách đối tượng tình nghi để chàng tiếp tục theo dõi nàng. Cô ta không bình thường, họ nói, rồi trả nàng về nhà. Như những nữ cao thủ không bao giờ bỏ cuộc, nàng lên một kế hoạch khác, một kế hoạch mà nàng tin sẽ giúp nàng chuyển bại thành thắng. Đêm hôm ấy, sau khi đã đắp mặt nạ (nàng đã tìm lại được thói quen của mình), nàng không lên giường đi ngủ mà mò mẫm tìm tới cổng sau của Tổ Chức, người bảo vệ đã ngủ say, xét cho cùng nơi đây có gì để bảo vệ đâu, văn chương là toà nhà có ma chỉ những kẻ không sợ chết mới dám thò mặt vào, mà nếu có tên trộm nào không may đột nhập tới đây thì tội nghiệp thay cho hắn, đón hắn chỉ là một hầm mộ sách vở yếm khí nơi giam giữ những linh hồn chưa chết mà như đã được ướp xác mà thôi, và bằng một mồi lửa, nàng thiêu rụi tất cả, cả sách, cả những linh hồn, cả những con mối đang đẻ trứng, khi tiếng ngáy của người bảo vệ thức dậy thì đã chẳng thế cứu vãn được gì. Nàng đắc thắng và tin rằng nàng đã đạt được kỳ vọng lớn lao. Vậy mà không, ngay cả quân át chủ bài ấy cũng không giúp cho nàng gặp lại chàng lần nữa, thứ duy nhất nàng gặp được là một căn phòng trắng toát. Đáng ra nàng phải nhớ rằng trong truyền thuyết của dân tộc nàng, mối tình đầu tiên trên thế gian là một mối tình bất thành, đó là cái dớp của lịch sử mà mãi mãi nàng không thể vượt qua.
Dù vậy, tôi đã không nhắc tới một chữ về cái di sản tập thể được giấu kín trong vô thức ấy. Nàng chỉ là nàng, chẳng hẳn là tôi mà cũng không phải là ai cả, nàng chẳng đại diện cho cái gì, giới trí thức không, những người bên lề cũng không, những người lệch chuẩn cũng không, những kẻ chống phá cũng không. Vì câu chuyện này không phải văn chương chính trị. Câu chuyện này chỉ là một câu chuyện chàng nàng.
Hiền Trang (b. 1993) is a Vietnamese writer and translator based in Hanoi, with 8 published books ranging from novels, essays to short story collections. Her latest works are Quán Bar Trong Bụng Cá Voi (novel, 2023) and Những khán giả ngồi trong bóng tối )short story collection, 2023). She was selected as a participant of the International Writing Program Fall Residency 2022 in Iowa, U.S. Hiền Trang won Vietnam’s National Book Award in 2023 for her translation of Playing Jazz In Socialist Vietnam. In terms of poetry, she has some of her poems published in Modern Poetry in Translation (UK) and Voice and Verse Poetry Magazine (Hong Kong).